Thống nhất nội dung dạy học chung
Tại các địa phương, việc dạy học online đặc biệt với HS lớp 12 được duy trì đều đặn theo thời khóa biểu trong các tiết học. Thầy Nguyễn Văn Khuê, GV dạy môn Ngữ văn Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thành phố Cần Thơ cho biết: Sau khi có thông báo triển khai dạy học online cho HS, nhà trường đã có chỉ đạo kịp thời đến từng tổ/nhóm chuyên môn, có định hướng cho các tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn thực hiện việc dạy học trực tuyến.
Đồng thời trường cũng tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho giáo viên thực hiện việc giảng dạy. Tổ bộ môn ngữ văn đã họp thảo luận và thống nhất việc xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng tinh giản nội dung dạy học một cách hợp lí, hiệu quả.
Với phần ôn tập kiến thức, các nội dung mà tổ ngữ văn thống nhất bao gồm: Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học và dạy bài mới. Ở phần đọc hiểu GV sẽ cho các văn bản trong và ngoài chương trình để HS tìm hiểu và trả lời theo các câu hỏi. Trong phần NLXH, học sinh sẽ ôn luyện về hai kiểu bài đó là nghị luận về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng trong đời sống. Với NLVH, giáo viên sẽ cho HS luyện tập một số đề làm văn liên quan tới các tác phẩm hoặc đoạn trích trong chương trình đã học.
“ Hiện chúng tôi đã nhận được nội dung tinh giản về chương trình dạy và học môn ngữ văn của Bộ GD&ĐT. Theo tôi, nội dung tinh giản được thực hiện trên 70% chương trình như vậy là phù hợp. Nếu theo nội dung đã tinh giảm này các giáo viên sẽ thuận lợi hơn trong việc giảng dạy để ôn tập cho HS. Thời gian dạy khoảng 1 tháng sẽ xong chương trình học.
Để dạy học trực tuyến hiệu quả tại trường THPT Trần Đại Nghĩa đang sử dụng phần mềm Zoom kết hợp vừa ôn tập kiến thức cũ vừa dạy bài mới. Việc dạy bài mới bắt đầu từ ngày 30/3, đối với môn ngữ văn sẽ có 2 tiết ôn tập và 2 tiết dạy bài mới trong một tuần theo TKB”, thầy Nguyễn Văn Khuê cho biết.
Chia nhỏ các bài tập theo dạng đề thi
Cô Nguyễn Thị Ngợi GV giảng dạy môn Ngữ văn Trường THPT Thới Lai huyện Thới Lai (Cần Thơ) chia sẻ: Ngay từ giữa tháng 2, tranh thủ thời gian HS nghỉ học các GV của trường đã tiến hành dạy học sinh theo hình thức trực tuyến với phần mềm Classroom. Ưu điểm của phần mềm này giáo viên có thể giao các dạng bài tập cho học sinh và kiểm soát được thời gian làm bài của các em. Thời gian đầu theo yêu cầu ôn luyện kiến thức đã học nên việc sử dụng phần mềm này hết sức hiệu quả.
Với môn ngữ văn, để học sinh chủ động và hứng thú khi học trực tuyến thầy cô phải linh hoạt vận dụng các biện pháp vừa củng cố kiến thức, vừa giao bài tập cho học sinh. Học sinh có thể làm các bài tập trắc nghiệm hoặc tự luận, thầy cô sẽ gửi nhận xét và chấm điểm tới từng học sinh vì vậy sẽ giám sát được năng lực và kích thích khả năng làm việc của các em.
Ngoài những lưu ý về nội dung kiến thức mà GV tóm lược gửi cho HS, thầy cô nên chia nhỏ các bài tập. Thầy cô không nên yêu cầu các em phải cùng lúc làm cả một đề như yêu cầu thi THPT Quốc gia vì như vậy HS dễ nảy sinh áp lực. Ví dụ, bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm, GV có thể cho HS làm bài tập về đọc hiểu văn bản, viết một đoạn văn nghị luận xã hội hoặc lập dàn ý về một đề làm văn... Tùy trình độ, năng lực của từng lớp mà GV sẽ tập trung rèn những kỹ năng mà các em chưa thành thạo”, cô Nguyễn Thị Ngợi cho biết.
“Bắt đầu từ ngày 30/3 sau khi Bộ GD&ĐT có chỉ đạo các nhà trường sẽ dạy kiến thức mới cho HS, tôi và các thầy cô của Trường THPT Thới Lai đã chuẩn bị chu đáo để có thể cung cấp kiến thức cho HS. Cụ thể các GV của bộ môn Ngữ Văn cùng thống nhất nội dung giảng dạy, phân công mỗi giáo viên sẽ đảm nhận một phần việc để thực hiện soạn các bài giảng power point, cả tổ sẽ cùng thảo luận góp ý hoàn thiện với từng bài. Sau đó các thầy cô sẽ giảng và tự quay clip, cùng tập hợp lại và chia sẻ trên nhóm lớp mình hoặc facebook để học sinh tiếp cận kiến thức”, cô giáo Nguyễn Thị Ngợi, thông tin.
Cô Nguyễn Thị Ngợi cũng cho biết: Để dạy tốt môn văn với hình thức trực tuyến, thầy cô phải gia công đầu tư nội dung giáo án thật kỹ lưỡng và cố gắng tạo ra sự tương tác cao nhất giữa GV và HS. Tiết học cần tạo được sự thoái mái hứng thú để các em tiếp thu bài giảng một các chủ động.