Khai thác hiệu quả CNTT vào dạy học

Khai thác hiệu quả CNTT vào dạy học

(GD&TĐ)-Hiện nay, phần lớn các trường học của Việt Nam đã được trang bị máy tính và kết nối internet. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả trong việc tận dụng nguồn tài nguyên này phục vụ dạy học còn chưa cao do chương trình và phương pháp giảng dạy còn bất cập, chưa thích ứng với thực tiễn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khai thác hiệu quả CNTT vào dạy học thực sự là vấn đề đặt ra hiện nay và việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sử dụng CNTT trở thành yếu tố quan trọng

fgfgf
HS Hà Nội ứng dụng CNTT trong một cuộc thi về NCKH, Ảnh: gdtd.vn

Còn nhiều bất cập

Tại một hội thảo về CNTT trong giáo dục vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS.Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, sự phát triển yếu kém của việc áp dụng CNTT trong giáo dục hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, khác nhau, nhưng chủ yếu là do chủ trương rất đúng nhưng thực tiễn áp dụng thì chưa triệt để. Nhiều địa phương còn coi nhẹ hoặc chưa hiểu rõ việc phát triển CNTT trong giáo dục mang lại chức năng gì. Hiện nay, sự phát triển CNTT về các trường học chỉ đơn thuần là nhận gửi e-mail, gõ văn bản, quản lý điểm... điều đó chỉ đạt sự sơ đẳng, manh mún, chứ chưa phải là phát triển CNTT trong giáo dục thực sự.

“Hiện nay nước ta vẫn chưa ban hành được một kế hoạch dài hạn và cụ thể cho việc đầu tư phát triển và ứng dụng ITC trong giáo dục. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra được những nghiên cứu và thống kê chi tiết về việc ứng dụng ICT trong hệ thống giáo dục toàn quốc - PGS.TS.Nguyễn Thị Hoàng Yến cho hay.

Theo ông Hà Duy Bình (Nhà xuất bản GD Việt Nam), công tác đầu tư ứng dụng CNTT cho giáo dục chỉ mới dừng lại ở mức độ đầu tư phần lớn thiết bị phần cứng, thực sự chưa có những giải pháp hỗ trợ việc giảng dạy, phần mềm giảng dạy, công cụ giảng dạy, thư viện tài nguyên, thí nghiệm mô phỏng, đánh giá hiệu quả dạy học và hệ thống quản lý dạy học...

Bên cạnh đó, trình độ và kỹ năng ứng dụng CNTT của đa phần giáo viên còn hạn chế; quy trình ứng dụng CNTT vào thiết kế giáo án điện tử, thực hành, giảng dạy, tổ chức hoạt động trong lớp và đánh giá hiệu quả dạy và học chưa chuẩn mực; hệ thống tài nguyên giáo dục còn nghèo nàn; chưa có các công cụ phần mềm dạy học tương tác cũng như phần mềm hỗ trợ đánh giá hiệu quả dạy và học; thiếu các phần mềm ứng dụng chuyên cho từng môn học, quản lý dạy học; đối với một số môn học, hệ thống phòng thí nghiệm thực hành chưa đáp ứng được...
 
Năng lực ứng dụng CNTT vào dạy học của GV mang tính quyết định

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Thái Nguyên tiến hành khảo sát gần 200 giáo viên tập sự môn Toán tại một số tỉnh miền Bắc về ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đi đến kết luận: Việc ứng dụng CNTT vào dạy học, yếu tố mang tính quyết định là năng lực ứng dụng CNTT của giáo viên vào dạy học. Nếu các cơ sở đào tạo có chiến lược, biện pháp rõ ràng để hình thành và nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho sinh viên thì sau khi ra trường, đội ngũ giáo viên này sẽ là lực lượng nòng cốt thúc đẩy việc triển khai, ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường phổ thông. Do vậy, tích hợp ICT vào chương trình đào tạo giáo viên là phương pháp được tính đến.

Nhấn mạnh đến nội dung bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sử dụng CNTT, TS.Quách Tất Kiên – Bộ GD&ĐT cho rằng, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cần quan tâm đồng thời đến kỹ năng CNTT, phương pháp dạy học và cách tổ chức dạy học. Dạy học có sử dụng CNTT đòi hỏi ở giáo viên những kỹ năng nghiệp vụ sư phạm mới, khác với dạy học truyền thống. Những kỹ năng này cần được xem như một phần không thể thiếu của nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Đặc biệt, giáo viên không chỉ cần biết những lợi ích, ưu việt mà CNTT mang lại mà còn cần biết cả hạn chế, khó khăn khi sử dụng CNTT trong dạy học để tránh lạm dụng CNTT trong dạy học. Cũng theo TS.Quách Tất Kiên, việc đưa ra tiêu chí đánh giá giờ dạy có sử dụng CNTT có thể coi như một biện pháp cần thiết và thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của khai thác, ứng dụng CNTT.

Đồng quan điểm này, TS.Phan Thị Luyến – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng và nâng cao trình độ tin học đặc biệt là các kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ giáo viên. Đối với giáo viên khi thiết kế bài dạy cần đầu tư nghiên cứu xem trong tiến trình bài học, nội dung nào, phần nào cần có sự hỗ trợ của CNTT. Việc lựa chọn phù hợp dựa vào kinh nghiệm của giáo viên, làm sao để sự trợ giúp của CNTT đúng lúc, đúng đối tượng, đủ thời gian và thực sự hiệu quả.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.