Tham gia Hội thi có hơn 500 học sinh, sinh viên đến từ 40 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Các thí sinh thi diễn ở các thể loại nghệ thuật sân khấu Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca, Nhã nhạc, Kịch nói, Xiếc, Ca, Múa, Nhạc (truyền thống và đương đại)… dưới hình thức tiết mục cá nhân và tập thể, trích đoạn, độc tấu, đơn ca, song ca, tốp ca, hòa tấu, dàn nhạc có trọng tâm cho đối tượng dự thi tài năng.
Bà Lê Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ đào tạo (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết: Tiêu chí đánh giá chấm điểm cho tài năng biểu diễn, sáng tác của các thí sinh dự thi trong các tiết mục thi, chương trình dự thi, thể hiện: Nội dung, chủ đề, tư tưởng tác phẩm dự thi rõ ràng, trong sáng; kỹ thuật biểu diễn, sáng tác, sáng tạo, điêu luyện, kỹ thuật cá nhân, bộc lộ được tài năng, đúng phong cách và thể loại dự thi.
Theo quy định, mỗi đơn vị thành lập một đoàn và xây dựng thành một chương trình biểu diễn (thời gian không quá 45 phút). Cơ cấu giải thưởng ở từng lĩnh vực: Giải Nhất, giải Nhì và giải Ba cho các thí sinh; ngoài ra còn có giải thưởng cho chương trình, tập thể đạt tiêu chí; giải thưởng cho giáo viên, giảng viên. Ban Giám khảo hội thi gồm 13 thành viên do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hà-nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam làm trưởng ban.
Đây là lần thứ ba Hội thi được tổ chức theo định kỳ hai năm một lần, nhằm động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, sáng tạo, nâng cao kỹ thuật biểu diễn, đạo đức nghề nghiệp cũng như học học, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, Hội thi là điều kiện để phát hiện những tài năng trẻ để có kế hoạch đào tạo để bổ sung nguồn lực cán bộ giảng dạy, nghệ sĩ giỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước. Qua đó, đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật…
Hội thi diễn ra từ ngày 21-27/10/2017