Festival guitar quốc tế Hà Nội: Hội ngộ những tài năng

GD&TĐ - Lần đầu tiên tại Việt Nam có một Festival guitar quốc tế “Alma Hanoi” quy tụ nhiều tài năng âm nhạc như: Hee Hongkim, Enrique Munoz Teruel, Nutavut, Ekateria Pushkarenko, Châu Đăng Khoa, Vũ Hiển, Lê Thu, Ngô Đăng Quang… sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 27 -29/10/2017 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội. 

Festival guitar quốc tế Hà Nội: Hội ngộ những tài năng

Phóng viên báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Vũ Đức Hiển, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi trước thềm khai mạc Festival “Alma Hanoi”.

Đánh dấu sự khởi sắc

Thưa nghệ sĩ Vũ Đức Hiển, guitar cổ điển là dòng nhạc khó chơi và kén người học, tại sao nghệ sĩ lại có ý tưởng tổ chức một festival guitar lớn, mang tầm khu vực đầu tiên ở Việt Nam?

Từ những năm 2012, tôi thành lập câu lạc bộ (CLB) guitar cổ điển với mong muốn CLB của mình sẽ là sân chơi cho tất cả những người yêu guitar ở Hà Nội và các tỉnh thành khác tại Việt Nam tới giao lưu, học hỏi. Xa hơn nữa, tôi luôn ấp ủ dự định tổ chức một festival guitar mang tầm khu vực. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, tôi đành tạm gác lại dự định đó của mình.

Năm 2017, tôi có cơ may được mời sang làm giám khảo của Cuộc thi guitar quốc tế Altamira ở Thái Lan. Trong thời gian chấm thi ở nước bạn, được bạn bè và đồng nghiệp quốc tế động viên và hỗ trợ, đặc biệt là người bạn của tôi - nghệ sĩ Thái Lan Nutavut Ratanakarn, tôi đã quyết tâm sẽ làm một festival guitar lớn, mang tầm khu vực đầu tiên ở Việt Nam. Chương trình sẽ là một dấu mốc đánh dấu sự khởi sắc của phong trào guitar cổ điển tưởng chừng như đã lặng tiếng sau gần 10 năm ở Hà Nội.

Nghệ sĩ kỳ vọng điều gì ở Festival “Alma Hanoi”?

Từ lâu, cây đàn guitar đã không còn xa lạ với công chúng Việt Nam. Du nhập vào nước ta từ đầu thế kỉ XX, cho đến nay, guitar đã trở thành loại nhạc cụ phổ biến nhất không chỉ bởi tính gọn nhẹ, tiện lợi, mà còn bởi những giai điệu mộc mạc mà sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, đa phần những người chơi guitar hiện nay đều đi theo dòng guitar đệm hát; số lượng người chơi guitar cổ điển chiếm tỉ lệ không nhiều. Một mặt, cổ điển là dòng nhạc khó chơi và kén người học, đòi hỏi nhiều thời gian cũng như công sức luyện tập. Mặt khác, ở Việt Nam hiện ít có sân chơi cũng như cuộc thi đủ quy mô, độ chuyên nghiệp cho những người yêu guitar cổ điển.

Hiện nay, có khá nhiều tài năng trẻ guitar ở Việt Nam muốn được thử sức mình ở những cuộc thi khu vực và quốc tế, nhưng đôi khi, vấn đề về chi phí lại là rào cản với các em. Nếu ở Việt Nam có một festival và cuộc thi tầm cỡ, các em sẽ tiết kiệm được chi phí cũng như công sức, đồng thời sẽ thu hút được nhiều thí sinh nước ngoài đến tham dự, từ đó có thể quảng bá, thúc đẩy phong trào guitar cổ điển ở Việt Nam, chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm được những cuộc thi, những festival tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Guitar cổ điển là một nét đẹp văn hóa xưa của người Hà Nội. Nhạc cụ văn minh và hướng thiện này góp phần quan trọng trong việc tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng Liên hoan Guitar quốc tế Alma Hà Nội sẽ góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp đó.

Sân chơi của tài năng trẻ

Công tác tổ chức và chuẩn bị cho Festival “Alma Hanoi” đã được chuẩn bị như thế nào?

Về công tác chuẩn bị cho Festival “Alma Hanoi” đã được chuẩn bị khá chu đáo. Trước tiên, chúng tôi đã có sự thống nhất về tổng giải thưởng do hãng đàn Alma Hàn Quốc tài trợ lên đến hơn 10 nghìn USD. Tiếp theo, chúng tôi đã gửi lời mời đến các nghệ sĩ có ảnh hưởng về guitar trong nước và quốc tế để làm giám khảo phần thi trong festival. Kêu gọi các nhà tài trợ như một số doanh nghiệp, trung tâm nghệ thuật hoặc các nghệ nhân làm đàn tài trợ cho Festival. Vận động các thí sinh cả nước và một số nước khác tham gia thi.

Giám khảo của Festival guitar lần này vừa là người trực tiếp “cầm cân nảy mực”, vừa tham gia biểu diễn. Những tên tuổi nổi tiếng thế giới như: Hee Hongkim, Enrique Munoz Teruel, Nutavut, Ekateria Pushkarenko, Châu Đăng Khoa, Vũ Hiển, Lê Thu, Ngô Quang Đăng… đều đã chuẩn bị sẵn các tiết mục biểu diễn.

Nghệ sĩ có thể cho biết những hoạt động diễn ra trong Festival?

Đây là lần đầu tiên một festival guitar mang tầm quốc tế được diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của 26 thí sinh quốc tế và Việt Nam. Ngoài phần thi quốc tế (lần đầu tiên có ở Việt Nam), sẽ có nhiều hoạt động khác diễn ra trong 3 ngày như: Biểu diễn của các giám khảo, các khách mời là nghệ sĩ. Dạy master class, giao lưu giữa các nghệ nhân làm đàn... Đây là dịp để người yêu âm nhạc cả nước có dịp gặp mặt, thưởng thức và chung tay gây dựng phong trào guitar cổ điển Việt Nam ngày một lớn mạnh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ