Khai mạc cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Nam

GD&TĐ -Chiều 17/3, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 (khu vực phía Nam) đã chính thức khai mạc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham quan các gian hàng và trao đổi với học sinh
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham quan các gian hàng và trao đổi với học sinh

Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện các trường THCS, THPT các tỉnh thành phía Nam.Năm học 2017 – 2018 là năm thứ 6 Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc thi năm nay có 882 học sinh với 488 dự án ở 22 lĩnh vực. Riêng khu vực phía Nam có 34 đoàn học sinh của 32 Sở GD&ĐT phía Nam từ Đà Nẵng trở vào và 2 trường Trung học phổ thông thuộc ĐHQG TPHCM và Trường ĐH Sư phạm TPHCM với tổng số 417 học sinh.

Với tổng số 239 dự án (tăng 22 dự án so với năm học 2016-2017), thuộc 20 lĩnh vực. Trong đó, cấp THPT có 203 dự án của 353 học sinh và cấp THCS có 36 dự án của 64 học sinh. Cuộc thi thật sự là sân chơi trí tuệ rất lớn dành cho các em học sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu khai mạc cuộc thi
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu khai mạc cuộc thi

Ngoài việc trực tiếp tham gia tranh giải thông qua các đề tài do mình trực tiếp nghiên cứu, học sinh tham dự cuộc thi còn được Ngoài việc tham dự cuộc thi, học sinh và giáo viên còn được tham gia Hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” để cùng chia sẻ và học tập kinh nghiệm trong việc NCKH, cũng như tham gia các hoạt động giao lưu bổ ích khác.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia được tổ chức hằng năm, là sân chơi bổ ích, là cơ hội để các em giới thiệu kết quả nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật của mình; thể hiện năng lực học tập, khả năng nghiên cứu, khả năng thuyết trình hùng biện, giao tiếp; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trao đổi giao lưu học hỏi của học sinh các vùng miền, địa phương được tuyển chọn các Dự án xuất sắc để trao giải và dự thi quốc tế.

Thông qua hoạt động này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa hy vọng, đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh và xã hội sẽ có những nhận thức mới mẻ về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học. Qua đó, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường; đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.

Các em học sinh tham dự tự giới thiệu về đoàn của tỉnh mình
Các em học sinh tham dự tự giới thiệu về đoàn của tỉnh mình

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, các trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ cần xem kết quả cuộc thi là nguồn tài nguyên tốt để lựa chọn, sử dụng, bao gồm tài nguyên con người (là học sinh để tuyển sinh), các ý tưởng khoa học (để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, các sản phẩm công nghệ (để tiếp tục hoàn thiện, phát triển thành thương phẩm)… Bởi theo Thứ trưởng, đây chính là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và doanh nghiệp, tạo môi trường phát triển tốt cho giáo dục và đào tạo.

Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Nam sẽ được tổ chức từ ngày 17-20/3 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Những sản phẩm xuất sắc nhất từ cuộc thi ở 2 khu vực sẽ được lựa chọn để tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) năm 2018 tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới.

Ghi nhận tại hội thi, chúng tôi nhận thấy các ý tưởng, đề tài nghiên cứu của các em học sinh năm nay rất thiết thực và gắn với thực tiễn cuộc sống hàng ngày của các em.

Điển hình như đề tài về Thiết bị hỗ trợ qua sát và dò tìm kim loại của học sinh trường THPT Y Jut (Đắk Lắk), đề tài Hệ thống phơi cà phê thông minh của hai học sinh Trường tiểu học Gia Hiệp, huyện Di Linh ( Lâm Đồng), đề tài Máy bo chì đa năng của học sinh huyện đảo Sơn Hải (Kiên Giang), đề tài Kính hỗ trợ đọc văn bản dành cho người khiếm thị của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), hay đề tài Biện pháp hạn chế sử dụng Facebook và cai nghiện Facebook đối với học sinh THCS của học sinh trường THCS Nguyễn Viết Xuân( Đắk Lắk)

Học sinh trao đổi với nhau về đề tài của mình
Học sinh trao đổi với nhau về đề tài của mình

Năm 2017 vừa qua, Việt Nam cũng giành được kết quả khá ấn tượng tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF). Trong số 8 dự án (được lựa chọn từ hàng chục ngàn dự án) tham dự, có 5 dự án đoạt giải chính thức (1 giải Ba; 4 giải Tư) và 4 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức Khoa học-Công nghệ và Doanh nghiệp trao tặng. Việt Nam cũng là một trong số 48/78 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải, đứng thứ ba về số lượng giải thưởng, sau Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.