Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho học sinh qua nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Chiều nay (10/3), tại TP Vinh (Nghệ An), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dự và phát biểu khai mạc Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 - 2018 Khu vực phía Bắc.

Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho học sinh qua nghiên cứu khoa học
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc cuộc thi
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc cuộc thi

Học sinh Việt Nam tạo dấu ấn tại Intel ISEF

Dự lễ khai mạc cuộc thi còn có các ông: Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng BTC cuộc thi, Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Đơn vị phối hợp tổ chức cuộc thi; ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cùng lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng Bộ GD&ĐT.Sở GD&ĐT các tỉnh có dự án tham gia dự thi .

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm khu trưng bày các dự án, sản phẩm của các đơn vị đang trưng bày tại cuộc thi. Cùng chung niềm vui với thầy và trò các đoàn, trực tiếp hỏi thăm một số học sinh là tác giả, nhóm tác giả; Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các thầy, cô giáo và các em học sinh để có sản phẩm dự thi vượt qua nhiều cuộc thi các cấp để có mặt tại cuộc thi cấp quốc gia năm nay.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, Bộ trưởng khẳng định: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục phổ thông nước ta đang đổi mới theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; trong đó có thực hiện giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (STEM) nhằm phát triển năng lực sáng tạo của học sinh; giúp các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay trong quá trình học tập tại các nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp hỏi thăm một số học sinh là tác giả, nhóm tác giả tham dự cuộc thi
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp hỏi thăm một số học sinh là tác giả, nhóm tác giả tham dự cuộc thi

Trên thực tế, chủ trương này đã được thực hiện tốt trong những năm qua. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học đã khẳng định hướng đi đúng đắn của ngành Giáo dục.

Từ năm 2013 đến nay Việt Nam đã tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) tại Hoa Kỳ và đã giành được nhiều giải thưởng cao, khẳng định được năng lực của học sinh Việt Nam trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Trong năm 2017 vừa qua, chúng ta cũng giành được kết quả khá ấn tượng, trong số 8 dự án (được lựa chọn từ hàng chục ngàn dự án) tham dự, có 05 dự án đoạt giải chính thức (01 giải Ba; 04 giải Tư) và 04 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học -công nghệ và doanh nghiệp trao tặng, là một trong số 48/78 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải, đứng thứ ba về số lượng giải thưởng, sau Hoa Kì và Ấn Độ.

Thực hiện tốt hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các thầy, cô giáo và các em học sinh trong các nhà trường. “Các em đã tạo ra hàng chục ngàn dự án nghiên cứu ở cấp trường; hàng ngàn dự án dự thi cấp tỉnh; hàng trăm dự án dự thi cấp quốc gia. Thành tích đó cũng đã khẳng định học sinh Việt Nam có tiềm năng nghiên cứu khoa học tốt và tiềm năng đó sẽ được phát triển nếu được tạo điều kiện tương xứng trong học tập, nghiên cứu” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.

Màn nghệ thuật tổng hợp chào mừng tại Lễ khai mạc cuộc thi
Màn nghệ thuật tổng hợp chào mừng tại Lễ khai mạc cuộc thi

Bộ trưởng yêu cầu: Các trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ cần xem kết quả Cuộc thi là nguồn tài nguyên tốt để lựa chọn, sử dụng, bao gồm tài nguyên con người (là đầu vào tốt của các trường đại học), các ý tưởng khoa học (để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu), các sản phẩm công nghệ (để tiếp tục hoàn thiện, phát triển thành thương phẩm)… Đây chính là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và doanh nghiệp…, tạo môi trường phát triển tốt cho giáo dục và đào tạo.

Để Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018 đạt mục tiêu và đúng yêu cầu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Ban tổ chức có kế hoạch hoạt động chi tiết, đảm bảo cuộc thi được tổ chức khách quan, công bằng, đúng quy chế. Ban giám khảo cần tập trung làm việc chính xác, công tâm, lựa chọn được những đề tài tốt nhất để trao giải và chọn cử tham gia hội thi Intel ISEF tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới.

Các đại biểu dự lễ khai mạc cuộc thi
Các đại biểu dự lễ khai mạc cuộc thi

2018 là năm thứ 6 Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay thu hút được đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia với 488 dự án ở 22 lĩnh vực, 882 học sinh tham dự, tăng 30 dự án so với năm học trước.

Cuộc thi khu vực phía Bắc (dành cho học sinh từ Thừa Thiên – Huế trở ra) diễn ra từ 10 – 13/3. Theo báo cáo của Ban tổ chức, tại khu vực này có 249 dự án của 475 học sinh (THPT có 198 dự án với 375 học sinh, THCS có 51 dự án của 100 học sinh). Trong khuôn khổ Cuộc thi sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” và các hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ