Nhiều học sinh mắc chứng nói ngọng nên ngại giao tiếp, mất tự tin, việc học hành bị ảnh hưởng. Nhiều em bị bạn bè trêu chọc, đem ra làm trò đùa… Các em có biết cách nào để chữa "căn bệnh" oái oăm này không?
Ảnh: MH |
Em Phạm Thu Giang (lớp 6D, Trường THCS Quang Trung):
- Em “nhiễm” bệnh nói ngọng này khá lâu rồi. Một thời gian, em kiên trì chữa bằng cách đọc những bài thơ giúp phân biệt “l” và “n” theo kiểu “Lúa nếp là lúa làng ta. Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng”… Nhưng, nói chậm thì còn đỡ “nhịu”, hễ nói nhanh là em lại lẫn lộn giữa “l” và “n”.
Điều làm em buồn nhất là các bạn em không thông cảm, cho rằng chỉ có “đồ nhà quê” mới mắc phải căn bệnh này. Thi thoảng, lúc được gọi lên phát biểu, em phát âm sai là lại bị các bạn chê cười, điều đó khiến em mất tự tin, cảm thấy xấu hổ. Từ đó, em hạn chế giao tiếp và sống khép kín.
Em Nguyễn Minh Thu (lớp 9A5, Trường THCS Ban Mai):
- Em nghĩ chứng nói ngọng có nhiều nguyên nhân, một phần là do các bạn sống ở vùng có “truyền thống” nói ngọng, hằng ngày phải nghe cách phát âm sai nên dễ bắt chước, nói theo, dần dần hình thành thói quen. Hiện nay, có nhiều cách tự chữa ngọng như tập nói, tập nghe những phát âm chuẩn, tập đọc các bài thơ, vè, đồng dao… Nếu kiên trì và được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, em tin là thói quen nói ngọng sẽ hết.
Cô giáo Nguyễn Hồng Nhung (Trường Tiểu học Hạ Đình):
- Chứng nói ngọng bắt nguồn từ khi các em đang tập nói, tập phát âm. Nếu không uốn nắn kịp thời, nó sẽ theo các em đến khi trưởng thành, gây ra nhiều điều phiền toái, ảnh hưởng đến việc học hành và khả năng giao tiếp.
Ở nhiều trường học ngoại thành Hà Nội, tỷ lệ học sinh nói ngọng khá cao do các em bị ảnh hưởng bởi tiếng địa phương, cách phát âm của người lớn trong và ngoài gia đình. Những năm gần đây, các trường tiểu học thường xuyên chú trọng việc sửa cách phát âm, cách viết khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn. Nhiều trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để sửa lỗi phát âm, hướng dẫn học sinh chia nhóm để luyện nói, sửa ngọng.
Để chữa căn bệnh này, nhà trường, thầy cô và phụ huynh cần có sự phối hợp chặt chẽ. Trên lớp, giáo viên uốn nắn các em; về nhà, hằng ngày phụ huynh cần tập cho con nói chuẩn, phát âm chuẩn. Bên cạnh đó, bản thân các em cũng phải kiên trì luyện tập, không giấu dốt. Theo tôi, mọi thói quen xấu đều có thể sửa được nếu có quyết tâm.
Theo HNM