Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2010: Không có gì là bất thường!

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2010: Không có gì là bất thường!
Thí sinh
Thí sinh sau giờ thi

*TS Huỳnh Công Minh (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Học sinh đã có chuyển biến tốt về ý thức học tập

Một kỳ thi có tới 2 môn thuộc kiểu học bài (Sử và Địa) và 2 môn thuộc kiểu trắc nghiệm, chỉ cần học sinh tích cực ôn luyện và nghiêm túc học tập dưới sự chỉ bảo của thầy cô thì chuyện có tỉ lệ tốt nghiệp cao là  không có gì bất thường.

Ông
TS Huỳnh Công Minh

Tôi không hiểu dư luận dựa vào đâu để đặt ra những nghi ngại về một tỉ lệ đáng mừng như vậy. Với bản thân tôi,  tỉ lệ ấy phản ánh đúng những gì mà các địa phương và tập thể đội ngũ thầy cô giáo đã dốc công, dốc sức bồi dưỡng và vun vén cho học sinh của mình.  Bất thường ở chỗ nào? Khi tỉ lệ  tốt nghiệp của địa phương chúng tôi năm nay lại thấp hơn năm trước (94,59% so với 94,61%), bất thường ở đâu khi mà kỷ luật trường thi được siết chặt và không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp.

Theo tôi, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay tăng cao xuất phát chủ yếu là từ tính tự giác học tập của các em học sinh. Học sinh chúng ta sau gần 4 năm triển khai cuộc vận động “hai không” ít nhiều đã có chuyển biến về mặt tư duy, tôi thấy học sinh giờ đã chăm chỉ học tập hơn, xem trọng việc thi cử nghiêm túc hơn. Đừng vội nghĩ và đưa ra kết luận kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 có vấn đề về kỉ cương khi thấy tỉ lệ vi phạm quy chế thi của các địa phương giảm. Cái thay đổi lớn nhất, theo tôi đến từ sự thay đổi ý thức nơi các em. Không lẽ cứ phải vi phạm thật nhiều trong một kỳ thi, thì kỳ thi ấy mới nghiêm túc sao? Học sinh chúng ta giờ đã trưởng thành và ý thức hơn rất nhiều trong việc học tập. Điều đó phải là tín hiệu đáng mừng chứ sao lại cứ đem ra mổ xẻ ở góc nhìn tiêu cực?.

Với sự chuẩn bị nghiêm túc, với một đội ngũ cán bộ coi thi được tập huấn kỹ càng, bài bản trước các kỳ thi, cũng như lực lượng thanh tra viên của Bộ GD-ĐT của các Sở GD-ĐT các địa phương không ngừng được tăng cường cả về số và lượng, tôi không tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 có vấn đề. Nếu nhìn một cách sư phạm và cân phân nhất: tôi thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay là hết sức bình thường bởi tỉ lệ học sinh khá giỏi chỉ đạt 10% trong khi đó tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp có điểm số trung bình tới 80%. Cứ nhìn vào tỉ lệ tốt nghiệp THPT của TP.HCM sẽ thấy, tỉ lệ tốt nghiệp chẳng có gì đáng phải băn khoăn, học sinh TP.HCM vốn rất yếu với các môn học thuộc bài. Do đó, việc mất điểm hai môn học bài kiểu môn Sử và môn Địa có thể là nguyên nhân khiến tỉ lệ đậu bị ảnh hưởng. Trong khi các địa phương khác, học sinh lại rất có thế mạnh ở các môn xã hội, tỉ lệ cao cũng là điều bình thường. Bản thân tôi nhận định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 là hoàn toàn nghiêm túc và thực hiện đúng các quy định, quy chế trong thi cử.

*Ông Nguyễn Sỹ Thư (Giám đốc Sở GD&ĐT Kontum): Đó là một kết quả đáng trân trọng và tự hào

Với  bề dày kinh nghiệm làm công tác giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2010 của tỉnh Kon Tum đối với những người làm giáo dục như chúng tôi quả đáng trân trọng. Bởi đây là thành quả hết sức ngọt ngào từ sự nỗ lực, vượt khó của cả đội ngũ CBQL và giáo viên, sự vươn lên cố gắng trong học tập của các em học sinh, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ông
Ông Nguyễn Sỹ Thư

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2010, hoàn toàn tương thích với chất lượng giáo dục Kon Tum tăng trong vài năm gần đây, nhất là khi toàn ngành thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 03/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2008-2015 và Nghị quyết số 26/2007/NQ-HĐND, ngày 07/12/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS.

Về mặt số liệu, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước là dấu hiệu  đáng mừng, thể hiện rõ sự chuyển biến tích cực về mặt chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2010 tuy cao, nhưng chủ yếu xếp loại trung bình ( 90%) phù hợp với mặt bằng chất lượng giáo dục của một tỉnh miền núi.

Về nguyên nhân để có tỷ lệ tốt nghiệp cao: Trước kỳ thi tốt nghiệp, trong những lần đi kiểm tra học sinh các trường PT DTNT ôn bài, tự học (thường là kiểm tra đột xuất vào ban đêm), chúng tôi mới thấy hết sự nỗ lực, sự miệt mài học tập của các em học sinh lớp 12. Mặt khác từ tác động của cuộc vận động “Hai không”, các em học sinh, nhất là học sinh DTTS đã xác định đúng đắn động cơ, mục đích học tập; có ý thức tự giác, tích cực, chăm chỉ hơn trong học tập. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp.

Về  phía quản lý, ngay từ đầu năm học 2009-2010, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường, các TTGDTX tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, khảo sát phân loại học sinh để từ đó có kế hoạch tổ chức dạy giãn tiết, dạy 2 buổi/ngày, phụ đạo thêm cho những học sinh xếp loại học lực yếu kém. Đối với các trường Phổ thông dân tộc nội trú, đã quản lý chặt chẽ việc học sinh tự học vào buổi tối, đồng thời cử giáo viên giúp đỡ các em tự học và ôn bài.

Vấn  đề quan trọng để kỳ thi tốt nghiệp đạt kết quả cao là việc ôn tập cho học sinh. Việc này, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo và làm rất có hiệu quả: Ngành GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12 sớm hơn những năm trước, cụ thể là từ đầu học kỳ II. Và ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, ngành GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo xây dựng đề cương ôn thi và bàn các giải pháp tổ chức ôn thi đạt hiệu quả và phù hợp với đối tượng học sinh. Các trường THPT đã chọn những giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tâm để trực tiếp ôn thi cho học sinh với phương châm gắn với từng đối tượng học sinh. Vì thế trong quá trình giảng dạy và ôn tập đã rèn luyện tốt các kỹ năng làm bài, cũng như các dạng bài liên quan đến kỳ thi nên đã góp phần tạo hiệu quả cao trong kỳ thi. Riêng đối với các trường PT DTNT huyện có quy mộ học sinh lớp 12 ít, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tập trung học sinh về những trường trung tâm, những trường có đội ngũ giáo viên dày dạn kinh nghiệm để tổ chức ôn thi cho các em.

Mặt khác, ngành GD&ĐT đã tăng cường công tác quản lý, nhất là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục trong việc dạy học nói chung và trong việc ôn thi tốt nghiệp nói riêng; từ đó đã tạo ra những chuyển biến tích cực: các đơn vị đã quan tâm, chú trọng đến chất lượng giáo dục của đơn vị mình hơn, thầy lo dạy hơn, trò lo học hơn. Đồng thời, trong năm học, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức học nghề phổ thông cho học sinh lớp 12, trừ số học sinh giỏi. Riêng đối với Giáo dục trung học phổ thông, kỳ thi tốt nghiệp năm 2010 trong tổng số 3.288 thí sinh đăng ký dự thi có 3.153 thí sinh (tỷ lệ 95,89%) được cộng điểm khuyến khích học nghề vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây chính là những nhân tố quyết định góp phần nâng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp.

*Ông Nguyễn Hoàng Nhi- Giám đốc Sở GD& ĐT tỉnh Đồng Tháp: Không có chuyện đề dễ, thả lỏng để có kết quả cao!


Tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh Đồng Tháp năm nay cao hơn năm trước (đạt trên 80%). Hệ GD THPT, tỉ lệ tốt nghiệp đạt 80,82%, có 62 thí sinh loại giỏi và 587 thí sinh đạt loại khá. Hệ GDTX đạt tỉ lệ tốt nghiệp 31,94%, có 2 thí sinh loại khá. Theo thống kê, môn Văn đạt tỉ lệ 58,80%, môn Hóa 87,07%, môn Địa 63,86%, môn Sử 58,92%, môn Toán 62,96%, môn Ngoại ngữ (môn thay thế là Vật lý) 40,05%. Trường có tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp cao nhất là THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu với 99,56%. Trường có tỉ lệ thí sinh dự thi và tỉ lệ đỗ thấp nhất là trường Năng khiếu thể dục thể thao với 9 thí sinh dự thi, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 33,33%. Như vậy, có thể thấy rằng các môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay vừa sức với thí sinh. Trong đó hai môn Lịch sử và Anh văn đề thi có chất lượng, không hề dễ hơn so với những kì thi trước. 4 môn còn lại thì đề thi phù hợp, nhẹ nhàng với sức học của thí sinh.

Ông Nguyễn Hoàng Nhi
Ông Nguyễn Hoàng Nhi

Đồng Tháp trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009 chỉ đạt tỉ lệ 64% nên HS và GV đã có ý thức trong học tập và giảng dạy. Năm nay tỉ lệ thi tốt nghiệp tăng lên là thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành GD. Tất cả thầy cô giáo tỉnh Đồng Tháp ngay từ đầu năm học đã tăng cường trách nhiệm trong giảng dạy. Các em HS yếu kém được tách ra để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng kém. Nhiều GV còn mời HS về nhà trong những ngày thứ bảy và chủ nhật để dạy kèm như ở trường THPT Phú Điền (Tháp Mười), Thống Linh (Cao Lãnh), Hồng Ngự I,… Phụ huynh HS ngày càng có ý thức tạo điều kiện tốt nhất cho con em học và thi. Riêng toàn tỉnh Đồng Tháp tăng cường công tác quản lí GD. Tỉnh ủy, HĐND, UBND và toàn thể Ban Giám đốc Sở GD tăng cường chỉ đạo để có biện pháp nâng cao chất lượng GD. Ngoài ra, còn có nguồn lực từ xã hội hóa GD và được sự ủng hộ của phụ huynh HS. Như trường THPT Lấp Vò III Đoàn Thanh niên còn tổ chức phụ đạo hoàn toàn miễn phí cho HS yếu kém. Công tác quản lí GD được xuyên suốt ngay từ đầu năm học, tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp.

Chúng tôi khẳng định rằng trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009- 2010 này chất lượng của tỉnh Đồng Tháp được đảm bảo. Hoàn toàn không có chuyện thả lỏng chất lượng và các khâu quản lí trong tổ chức thi, chấm thi.

*Ông Nguyễn Tiến Hải (Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau): Đây không phải là chuyện ăn may

Ông Nguyễn Tiến Hải
Ông Nguyễn Tiến Hải

Tôi vừa được Tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD&ĐT báo rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 90,04% đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long, so với năm ngoài 81,88%. Tỉ lệ thi tốt nghiệp BTVH đạt 44,46%, nếu không kể thí sinh tự do mà chỉ tính thí sinh đang học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên thì tỉ lệ này là 61,56%, cao vượt bậc so với các năm.

Đây không phải là chuyện “ăn may” mà do sức phấn đấu của tỉnh. Có thể tự hào rằng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 11,2%, với đà này thu ngân sách của tỉnh đạt trên 2.000 tỉ đồng trong năm 2010. Chính điều đó tạo cơ sở cho  ngành giáo dục Cà Mau phát triển.  Với chương trình hỗ trợ tiền đò cho con em gia đình nghèo, gia đình chính sách, gia đình người dân tộc… không có phương tiện đi đến trường, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm đã chung tay, góp sức thành một phong trào toàn xã hội chăm lo cho giáo dục. Năm học qua chương trình đã chi 12,5 tỉ đồng cho trên 10.500 em. Kết quả là tỉ lệ học sinh bỏ học giảm một cách rõ rệt. Chúng tôi sẽ duy trì chương trình này trong 3 năm. Với một tỉnh có trên 10.000 km kênh rạch thì giải pháp hỗ trợ tiền đò là nhất thời, vì thế chúng tôi có chương trình xây dựng 1588 cây cầu nông thôn, đã hoàn thành 600 cây, đã khởi công 300 cầu, số còn lại sẽ hoàn thành trước Đại hội tỉnh Đảng bộ. Khi chương trình này thực hiện trong hai năm tới sẽ dứt điểm 10 ngàn cây số đường nông thôn là lúc chương trình hỗ trợ tiền đò cho học sinh kết thúc. Tính từ  năm 1997 đến năm 2008, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên 103 ngàn lượt người; trong đó, đào tạo sau đại học 615 lượt người, đại học, cao đẳng 12.713 lượt người. Riêng năm 2010,  Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt kế hoạch cử đi đào tạo sau đại học các chuyên ngành trên 230 người, không kể Đề án Cà Mau 165 và Đề án Mêkong 120. Trong đó ngành giáo dục được đầu tư nhiều nhất.

*Ông Trần Trọng Khiếm- Giám đốc Sở GD& ĐT TP. Cần Thơ: Tỷ lệ đỗ cao là kết quả của sự nỗ lực lớn

Ông Trần Trọng Khiếm
Ông Trần Trọng Khiếm

Kết quả kì thi THPT năm nay TP. Cần Thơ ở hệ THPT có tỉ lệ tốt nghiệp kể cả thí sinh tự do là 86% (cao hơn khoảng 8% so với năm ngoái). Có 8 trường THPT có tỉ lệ tốt nghiệp đạt trên 90%, trong đó trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất là trường THPT Châu Văn Liêm (99,5%), thấp nhất là trường THPT Thuận Hưng (63,24%). Hệ GDTX kể cả thí sinh tự do tỷ lệ tốt nghiệp đạt 15,71%.
 
Toàn ngành GD TP. Cần Thơ đã tập trung chú trọng thực hiện nghiêm túc từ chương trình đến giảng dạy, kiểm tra, ôn tập cho HS. Tuy mỗi trường, mỗi nơi có điều kiện khác nhau nhưng bằng sự nỗ lực thì chất lượng GD sẽ tăng lên. Như vậy bằng sự nỗ lực chung của ngành, của phụ huynh, của HS và toàn xã hội thì chắc chắn chất lượng GD sẽ tăng lên và đã phản ánh đúng trong kì thi năm nay. Nhìn chung đề thi năm nay thật ra không dễ lắm, vừa sức học của thí sinh nhưng có một số môn có gặp khó khăn trong đáp án chấm thi. Có thể thấy rằng, TP. Cần Thơ trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng 8% so với năm ngoái là kết quả hoàn toàn nghiêm túc. Thể hiện chất lượng thực tế trong việc học và công tác tổ chức thi, chấm thi và đã phản ánh đúng thực lực của học sinh.

* Bà Trương Thị Thu Hà (PGiám  đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An): Đừng tự suy luận và đặt ra những điều bất thường từ điều bình thường

Bà
Bà Trương Thị Thu Hà

Chẳng có gì là bất thường ngoài những bất thường mà có vài ý kiến tự suy luận ra. Tôi thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của tỉnh tôi diễn ra hết sức nghiêm túc và đúng quy chế. Tỉ lệ tốt nghiệp năm nay của tỉnh Long An đánh giá đúng thực chất và học lực của các em học sinh (87,16% so với  năm ngoái là 86,01%). Bởi tỉ lệ tăng rất ít so với năm ngoái. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh tôi nhiều năm nay đều ổn định và duy trì ở ngưỡng trên 80% kể cả trước cuộc vận động “hai không” cho đến sau khi thực hiện cuộc vận động “hai không” của Bộ GD-ĐT. Năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh cũng chẳng có gì là đột biến, nên tôi chẳng thấy có vấn đề gì ở kỳ thi năm nay. Tôi có nghe nói nhiều, có nghe dư luận đặt nhiều nghi vấn về tỉ lệ tốt nghiệp năm nay ở một số địa phương, nhưng quan điểm của tôi, căn cứ và dựa trên tỉ lệ mà tỉnh Long An đạt được, tôi thấy nó hết sức bình thường. Chúng ta nên mừng khi ý thức học tập của học sinh mình thay đổi, với mặt bằng học như thế chưa có gì phải gọi là ghê gớm. Suốt mấy năm qua, tỉ lệ tốt nghiệp của Long An đã bao giờ vượt quá ngưỡng 90% đâu, tỉ lệ có tăng hay giảm cũng chỉ tăng ở ngưỡng 1-2% năm. Điều đó chứng minh một điều, công tác tổ chức thi cử, ra đề và cả khâu thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật phòng thi của tỉnh Long An nói riêng các tỉnh thành khác nói chung đều được thực hiện hết sức nghiêm túc. Kỳ thi chỉ thật sự có vấn đề khi tỉ lệ đậu tốt nghiệp khá giỏi ở mức thật cao cơ, đằng này có 10% thì vấn đề gì chứ? (90% ở mức khá và trung bình).

Việc đặt câu hỏi đề thi khó hay dễ của dư luận tôi không bình luận. Bản thân tôi cũng không thể định nghĩa thế nào là đề thi dễ hay khó. Nhưng với tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp loại giỏi như công bố của Bộ GD-ĐT chỉ là 10%, tôi nghĩ con số đó đã tự trả lời cho câu hỏi trên. Việc một số tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn so với năm ngoái tôi không có nhận định, nhưng tôi nghĩ kết quả ấy phản ánh rõ nhất những gì họ đã tích cực chuẩn bị. Họ chuẩn bị và tổ chức ôn luyện cho học sinh tốt, tuyên truyền và làm tốt công tác tư tưởng để ý thức tự giác học tập của học sinh ngày một tốt hơn thì kết quả tốt là điều hiển nhiên.

Em Huỳnh Nhật Long (Học sinh lớp 12, THPT Lê Quý Đôn, TPHCM): Nếu đề thi dễ, tỉ lệ các tỉnh đều đã là 100% rồi!

Em Huỳnh Nhật Long
Em Huỳnh Nhật Long

Đề thi năm nay ở các môn tuy không có sự đánh đố với học sinh, nhưng nói đề dễ thì cũng không hẳn. Đề Toán và Anh Văn chỉ dễ với những bạn nào nắm vững kiến thức, còn với các đề còn lại không học, không ôn luyện sẽ rất khó được điểm cao. Bản thân em, lực học cũng chỉ ở mức tương đối, nhưng theo nhận xét của cá nhân em nếu không thật sự chăm chỉ học tập và ôn luyện sẽ rất khó để các bạn học sinh đạt điểm cao. Nội dung đề năm nay phần lớn bám sát chương trình đã học, nhưng nó đòi hỏi phải có nền kiến thức cơ bản để giải những vấn đề cơ bản mà các bài tập hay các câu hỏi đặt ra. Nhiều người cứ nhận định đề năm nay dễ, tỉ lệ học sinh đậu sẽ cao. Bố em cũng là một thầy giáo dạy Toán, ông cho rằng: không thể nhìn phiến diện, một chiều để đánh giá về những đề bài đã được đưa ra trong kỳ thi năm nay, đề thi các môn năm nay đảm bảo rất tốt yêu cầu kiểm tra kiến thức tổng hợp của học sinh. Nó không thật sự quá khó, nhưng để nói dễ thì chắc chắn là không phải. Bởi bằng chứng các bạn đạt điểm cao các môn như Toán, Anh Văn, Văn là không nhiều (em và bố cập nhật trên mạng). Điều đó đưa đến sự khẳng định, đề chỉ dễ với những bạn nào có vốn kiến thức nền thật vững vàng, tích cực ôn luyện và bình tĩnh trong xử lý bài vở khi thi. Bởi nếu khẳng định đề dễ thì tỉ lệ tốt nghiệp cả nước đã phải là 100% tất cả chứ không phải chỉ có một vài tỉnh thành cao như năm nay. Kết quả tốt nghiệp của em chỉ ở mức khá với số điểm của 6 môn là 45 điểm. Vậy đề đâu phải thật sự quá dễ khi trong lớp em là một học sinh giỏi.
 

Anh Tú- Quốc Ngữ-Liễu Hạnh-Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ