Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát giảm nghèo
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát giảm nghèo

Cơ bản đạt mục tiêu

Qua thống kê cho thấy, các chính sách đầu tư phát triển KTXH, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản ĐBKK vùng DTTS, MN. Đến nay đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.

Giai đoạn 2012 - 2015, về cơ bản đạt mục tiêu giảm hộ nghèo theo Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ và Quyết định số 1489/2012/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm (giảm 706.849 hộ), trong đó: Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân/năm tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 5,65%/năm (giảm 101.266 hộ), vượt chỉ tiêu Chương trình (chỉ tiêu 4%).

Giai đoạn 2016 - 2018 , theo tiêu chí nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% (năm 2015), xuống còn 5,23% (năm 2018), bình quân giảm 1,55%/năm, tương ứng giảm 1.047.452 hộ, đạt mục tiêu (giảm 1% - 1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm vượt mục tiêu (giảm 4%); các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu. Số hộ nghèo DTTS giảm được 343.470 hộ, bình quân giảm từ 3-4% mỗi năm.

Tỷ lệ hộ tái nghèo cao

Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và qua thực tế giám sát tại địa phương, cho thấy kết quả giảm nghèo vùng DTTS, MN chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao.

Tỷ lệ hộ DTTS tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo DTTS thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm DTTS; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu, nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển KTXH; một số mục tiêu lớn (giảm huyện nghèo, xã ĐBKK, thôn ĐBKK) không đạt mục tiêu Chương trình.

Qua phân tích số liệu tại Quyết định số 862/QĐ-TTg ngày 04/7/2018 của Bộ LĐ-TB&XH công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh cao (so với hộ thoát nghèo) tập trung vào các vùng DTTS, MN như: Vùng Miền núi Đông Bắc 24,67%; Vùng Miền núi Tây Bắc 39,21%; Tây Nguyên 31,74%, một số tỉnh có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao: Hà Giang 28,25%; Cao Bằng 25,44%; Bắc Kạn 59%; Sơn La 52,31%; Điện Biên 41,5%; Đắk Nông 44%; Kon Tum 41% (Số hộ nghèo mới phát sinh trên phạm vi cả nước bằng 23% số hộ thoát nghèo); Riêng vùng Miền núi Tây Bắc có tỷ lệ tái nghèo lên tới 26,86% (tỷ lệ tái nghèo cả nước là 5,17% so với tổng số hộ thoát nghèo).

Một số vấn đề bức xúc

Theo báo cáo giám sát, còn tồn tại một số vấn đề bức xúc của đồng bào DTTS, MN chi phối và ảnh hưởng đến giảm nghèo bền vững chậm được giải quyết, hiệu quả chưa cao. Thứ nhất là về vấn đề giao đất, giao rừng cho hộ DTTS. Theo đó, tỷ lệ hộ DTTS được giao đất, giao rừng rất thấp, chiếm 11,5% số hộ DTTS; trung bình 2,13 ha/hộ (thấp hơn rất nhiều so với định mức khoán tối đa không quá 30 ha/hộ); chế độ, định mức khoán bảo vệ rừng thấp (400.000 đồng/ha/năm), người dân chưa thể sống bằng nghề rừng.

Tiếp đó, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo còn nhiều hạn chế, sau nhiều năm chưa được giải quyết cơ bản. Có 156 dự án ổn định dân cư, tái định cư tập trung và 80 điểm ổn định dân cư, tái định cư xen ghép đang thực hiện dở dang và chưa được triển khai; còn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp bố trí ổn định dân cư; 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 96.256 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Ngoài nguyên nhân khách quan, hộ nghèo vùng DTTS, MN một số nơi còn phong tục, tập quán, ma chay, hiếu hỉ lạc hậu gây tốn kém tiền của; trình độ dân trí hạn chế, không đồng đều, thiếu kiến thức làm ăn; đông con, thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất; một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ