Điện Biên: Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

Điện Biên: Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

Vào cuộc quyết liệt...

Cuối tháng 8, trời Mường Nhé như đang bước sang Thu bởi cái se se lạnh của buổi sớm tinh sương. Tuy công việc cũng khá bận bịu, song ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé vẫn dành thời gian chia sẻ về chặng đường khó khăn trong hành trình thực hiện Nghị quyết 30a ở cái huyện nghèo nhất cả nước này trong suốt 10 năm qua.

“Từ nguồn vốn 30a đã giúp cho huyện xây dựng được kết cấu hạ tầng, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Đặc biệt là đã nâng được tỷ lệ cấp nước sinh hoạt cho người dân lên trên 80%. Các hợp phần hỗ trợ sản xuất đã góp phần quan trọng giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5-6%/năm. Chúng tôi thấy rằng, thành quả lớn nhất đó là công tác an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Chính điều đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp”, ông Lù Văn Thanh hồ hởi nói.

Nhiều hộ thoát nghèo từ mô hình kinh tế VAC
Nhiều hộ thoát nghèo từ mô hình kinh tế VAC 

Đề án Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhằm xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009 - 2020 của huyện Mường Nhé được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 9/4/2009 của UBND tỉnh Điện Biên gồm 4 hợp phần như: Hỗ trợ sản xuất; GD-ĐT, dạy nghề nâng cao dân trí; chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ xuống cơ sở và kết cấu hạ tầng phát triển KT-XH. Đây là thời cơ, cũng là thách thức đối với huyện biên giới nghèo như Mường Nhé.

“Chúng tôi xác định, Nghị quyết 30a là cơ hội quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi vậy, ngay từ bước đầu triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo Nghị quyết 30a huyện đã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị các cấp từ huyện đến xã. Nội dung, kế hoạch tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; đầu tư dạy nghề gắn với tạo việc làm; nâng cao chất lượng các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho bà con. Quá trình triển khai đã nhận được sự chia sẻ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác của bà con nhân dân nên đã thu được nhiều kết quả quan trọng”, ông Lù Văn Thanh cho biết thêm.

Củng cố niềm tin vào Đảng...

Suốt bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” song gia đình anh Trang Sang Hòa ở bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn vẫn chưa thể thoát được cảnh “túng bấn”. Nhà thì có ruộng, có nương, nhưng vợ chồng anh cứ quanh năm lên rừng phát nương để trồng cấy. Sức vóc con người cũng có hạn. Tích cóp mãi cũng chẳng thể mua nổi con bò để giải phóng sức lao động, vợ chồng anh luôn đau đáu giấc mơ có được một con bò để có cơ hội mở rộng diện tích gieo trồng và tiến tới là “đổi đời”.

“Bao nhiêu năm lăn lộn, vất vả chúng tôi cứ cày cuốc hết mảnh nương này đến mảnh nương khác thế mà may mắn lắm mới đủ ăn. Cả nhà tiết kiệm thì cũng chẳng thể dư dả ra được ít nào. Ơn Đảng, ơn Chính phủ có chương trình hỗ trợ thế này, chúng tôi thấy vui lắm. Có con bò cái sinh sản, nó đẻ ra con nhỏ, chúng tôi vừa có bò để cày, vừa có thể chăm sóc bê con để sau này làm sức kéo để vợ chồng tôi đỡ vất vả hơn mà lại có khoản thu nhập cao từ việc chăn nuôi bò”, anh Hòa xúc động nói.

10 năm qua, bằng nguồn vốn của Chương trình 30a, gần 40 hộ gia đình dân tộc Hà Nhì ở bản Suối Voi được hỗ trợ bò giống sinh sản. Từ hợp phần hỗ trợ sản xuất, các hộ dân nghèo đã có thêm động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Trước đây, riêng bản Suối Voi có đến xấp xỉ 100% các hộ đều thuộc diện hộ nghèo, nhưng từ khi được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo chương trình 30a, đến nay đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể. Đặc biệt là được hỗ trợ trâu, bò giống nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi. Hiện nay trong bản có hàng chục hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/1 năm. Cũng nhờ vậy mà các chỉ tiêu Nghị quyết về phát triển KT-XH của Đảng bộ xã đã được hoàn thành” ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn phấn khởi nói.

Mường Nhé đang dần "thay da, đổi thịt"
 Mường Nhé đang dần "thay da, đổi thịt"

Trong 10 năm qua, chỉ tính riêng thông qua hợp phần hỗ trợ sản xuất và nâng cao năng lực cho người dân huyện Mường Nhé đã đầu tư trên 30 tỷ đồng hỗ trợ lần đầu cho hơn 1.500 hộ với gần 1.600 con trâu, bò và dê giống các loại. Song song với đó, huyện còn xây dựng các mô hình trình diễn, như: thâm canh lúa đông xuân; mô hình khoai tây; thí điểm thâm canh cây thảo quả, chăn nuôi vịt bầu theo hướng an toàn sinh học.

“Các mô hình được triển khai trên địa bàn thời gian qua đã giúp người nông dân tiệp cận và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập.  Nhiều mô hình được bà con nhân rộng triển khai đem lại hiệu quả cao”, ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé nói.

Bên cạnh đó, huyện Mường Nhé cũng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH. Đã có khoảng 50 dự án xây dựng cơ bản được triển khai với tổng mức đầu tư lên tới hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, có 5 tuyến đường giao thông, 6 công trình trường lớp học như: Trường THCS Pá Mỳ, Trường Tiểu học Leng Su Sìn; 4 công trình thủy lợi như: Thủy lợi Sen Thượng (xã Sen Thượng), thủy lợi Phụ Phang (xã Chung Chải); 8 công trình nước sinh hoạt gồm: Công trình nước sinh hoạt trung tâm xã Nậm Vì, Pá Mỳ. Từ sự đầu tư trên đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng biên giới nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc đã có thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ