Sáng 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trụ cột quan trọng
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, trên cơ sở các nguồn lực huy động được, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho các chương trình tín dụng lớn như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
Cho vay giải quyết việc làm; tín dụng học sinh – sinh viên; tín dụng đối với vùng khó khăn; cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số dư nợ chiếm tới 98%...
Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đi đúng vào đúng đối tượng. Trong khi nợ xấu của nền kinh tế lớn thì của chương trình tín dụng này, nợ quá hạn chỉ 0,4% và nợ khoanh chỉ 0,33%, hầu như không có nợ xấu.
“Có thể nói Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 – 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.
Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước – thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội – với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.
Vốn ủy thác còn hạn chế
Điểm ra những nguyên nhân của sự thành công, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại, trong đó có việc vốn của địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn; trong khi đó, riêng Hà Nội là gần 2.873 tỷ đồng, TP.HCM 1.687 tỷ đồng, Bình Dương 1.190 tỷ đồng.
Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 100 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương; tổ chức huy động tốt các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân với công tác này.
Tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Phó Thủ tướng, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Ảnh VGP/Thành Chung. |
Tập trung vốn ưu đãi vào một mối
Đồng thời, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội, phân biệt rõ ràng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các hoạt động cho vay theo chính sách tài khóa này đều phải được cấp bù lãi suất, cấp chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Có cơ chế chính sách tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
“Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ, để có mức vốn của nhà nước và có nguồn gốc Nhà nước đủ lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, có cơ chế cho Ngân hàng tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình, giải quyết sinh kế, vươn lên làm giàu”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo Phó Thủ tướng, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính tới việc sắp tới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số khi được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện chính sách như nâng thêm mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và các chương trình nước sạch.
Ảnh VGP/Thành Chung. |
Dành phần vốn thích đáng cho người nghèo
Hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương hàng năm sẽ bổ sung thêm ít nhất 600 tỷ đồng cho vay các đối tượng chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị HĐND, UBND các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
“Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và TP.HCM mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng kêu gọi.
Phó Thủ tướng đề nghị năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%.
MTTQ mở rộng cuộc vận động Vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, không để phát sinh nợ đọng, nợ khoanh mới.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính không để nợ nghĩa vụ của Nhà nước đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.