Thừa Thiên - Huế: Làm rõ những bất thường trong xét thăng hạng giáo viên THPT

GD&TĐ - Trước những bất thường trong việc xét thăng hạng giáo viên THPT ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhiều giáo viên đã yêu cầu các ban ngành chức năng làm rõ trách nhiệm của các hiệu trưởng liên quan và trách nhiệm của Sở GD&ĐT tỉnh để trả lại công bằng cho các giáo viên khác.

Trường THPT Chuyên Quốc học Huế có 35 giáo viên được thăng hạng giáo viên bậc III lên bậc 2 đứng trong top đầu về tỷ lệ các trường ở Thừa Thiên – Huế
Trường THPT Chuyên Quốc học Huế có 35 giáo viên được thăng hạng giáo viên bậc III lên bậc 2 đứng trong top đầu về tỷ lệ các trường ở Thừa Thiên – Huế

Nhiều bất thường trong xét thăng hạng giáo viên?

Thời gian qua, Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của nhiều giáo viên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế về sự bất thường trong việc xét thăng hạng giáo viên THPT từ hạng III lên hạng II của tỉnh này.

Theo đó, trong năm 2018, dẫn đầu về tỉ lệ giáo viên được xét thăng hạng là Trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc), một trường ở mức độ trung bình về chất lượng học sinh cũng như đội ngũ giáo viên. Số lượng được thăng hạng chiếm đến 45% số giáo viên toàn trường.

Về số lượng tuyệt đối thì Trường Thừa Lưu có 32 giáo viên được thăng hạng (chỉ sau Trường THPT Chuyên Quốc học Huế là một trong những trường top của tỉnh) và vượt xa các trường huyện khác có quy mô tương đương và lớn hơn.

Trong nhóm dẫn đầu về tỉ lệ giáo viên được thăng hạng còn có các trường khác như: An Lương Đông, Cao Thắng, Phú Bài, Đặng Trần Côn. Những trường này ở top trung bình - khá của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong khi đó nhóm xếp cuối về tỉ lệ giáo viên được thăng hạng có các trường: Đặng Huy Trứ, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đình Chiểu, Vinh Xuân (chỉ chiếm từ 6%-9%) có quy mô số lớp và tổng số giáo viên hơn hẳn Trường THPT Thừa Lưu. Tiêu biểu là 2 Trường Đặng Huy Trứ và Vinh Xuân hiện có quy mô hơn 100 giáo viên.

Ngoài những phản ánh trên, nhóm giáo viên này còn đưa ra phản ánh về việc có sự bất thường trong quá trình xét điểm ở cấp trường. Cụ thể, các Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hương Trà, Phong Điền yêu cầu giáo viên phải kinh qua chức vụ tổ trưởng trở lên hoặc có làm ban giám khảo các hội thi mới được nộp hồ sơ. Các Trường Bùi Thị Xuân, Thuận An, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sinh Cung, A Lưới chỉ yêu cầu giáo viên đã từng kinh qua chức vụ tổ phó trở lên. Một số trường như Thừa Lưu, An Lương Đông, Đặng Trần Côn... lại chỉ yêu cầu đủ thâm niên công tác (7 năm trở lên) và có thêm một số thành tích khác là được nộp hồ sơ.

Thống kê số lượng giáo viên thăng hạng III lên II do các giáo viên cung cấp
Thống kê số lượng giáo viên thăng hạng III lên II do các giáo viên cung cấp 

Sở GD&ĐT lên tiếng

Trước những thông tin phản ánh của các giáo viên, trao đổi với báo chí, TS Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin, việc thăng hạng giáo viên THPT của tỉnh từ hạng III lên hạng II đã được Sở chỉ đạo các trường làm rất dân chủ, công khai và minh bạch.

Theo ông Hùng, để thực hiện việc thăng hạng giáo viên Sở đã thành lập một hội đồng liên ngành gồm Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh… Sở cũng có một hệ thống văn bản cụ thể, tỉ mỉ. Hội đồng này đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành, Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và không có bất kỳ một sự vận dụng nào.

Mỗi hồ sơ của giáo viên cũng phải có đầy đủ lời khai, đánh giá của cá nhân đó, của tổ trưởng chuyên môn, công đoàn và hiệu trưởng. Nếu không có đủ chữ ký thì hồ sơ không được công nhận.

Theo người đứng đầu Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, thời gian qua Sở đã nhận được thông tin phản ánh của nhiều giáo viên về tỷ lệ chênh lệch về số lượng giáo viên được xét thăng hạng ở các trường là khá lớn. Để đảm bảo khách quan, chính xác, trước mắt Sở sẽ có buổi làm việc với thủ trưởng của các đơn vị để bàn kế hoạch giải quyết. Sau buổi làm việc này, Sở sẽ cử các đoàn đến các trường kiểm tra, rà soát xác minh cụ thể từng trường hợp để đảm bảo đúng quy định và công bằng.

Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT từ hạng III lên hạng II năm 2018 phải được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục gần nhất (từ năm 2015, 2016, 2017 đến nay); có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật; Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với chức danh cao hơn chức danh hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn; Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng III hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng III tối thiểu từ đủ 1 năm trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.