Thi thăng hạng giáo viên: Tạo điều kiện thuận lợi nhưng không nóng vội

GD&TĐ -Thăng hạng, nâng lương là một nguyện vọng chính đáng của tất cả các giáo viên nhưng thực tế việc thi, xét còn gặp nhiều vướng mắc. Thời gian qua, bộ GD&ĐT cùng các ngành liên quan đã có nhiều văn bản gỡ khó cho việc thi nâng hạng, đảm bảo quyền lợi nhà giáo.

Thi thăng hạng là nhu cầu và nguyện vọng của nhiều giáo viên
Thi thăng hạng là nhu cầu và nguyện vọng của nhiều giáo viên

Thiệt thòi cho nhiều giáo viên

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, sau đó đã học lên để có bằng đại học nhưng cho đến thời điểm này cô Đặng Thị Trang, thầy Huỳnh Tuấn Anh ở Trường THCS Trà Lân (huyện Con Cuông) vẫn đang hưởng lương của bậc cao đẳng. Tương tự, thầy Hồ Bảo Trung (Trường THCS Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) cũng ăn lương CĐ dù đã có bằng ĐH.

Liên quan đến vấn đề này, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do vướng các văn bản. Cụ thể, từ năm 2012 về trước, giáo viên được xếp vào các hạng theo trình độ văn bằng mình có mà không phải tham gia thi thăng hạng như quy định hiện nay.

Nhưng sau thời điểm trên, đội ngũ giáo viên muốn được thăng hạng thì phải thi thăng hạng. Năm 2012, Nghệ An cử 100 giáo viên THPT và THCS Nghệ An dự thi thăng hạng giáo viên trung học cao cấp do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Thanh Hóa, kết quả đạt 100% (THCS 62 người, THPT 48). Sau đó được UBND tỉnh bổ nhiệm vào ngạch giáo viên trung học cao cấp (đến 2016 được thay đổi và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp: Giáo viên THCS hạng I và giáo viên THPT hạng II).

“Từ 2013 đến nay, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông các cấp chưa được dự thi/xét thăng hạng do phải chờ hướng dẫn của Bộ. Đây là sự thiệt thòi lớn cho đội ngũ nhà giáo; tồn đọng về nhu cầu thăng hạng giáo viên trong tỉnh rất lớn với số lượng lên tới hạng chục ngàn người. Bởi nguyện vọng tăng lương theo đúng bằng cấp trình độ là chính đáng và đúng với năng lực mà họ được hưởng” - ông Nguyễn Huy Anh, Phó phòng Tổ chức cán bộ – Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết.

Giáo viên được tuyển dụng mới từ sau năm 2012 tuy đã đạt chuẩn hoặc trên chuẩn về bằng cấp nhưng khi được tuyển dụng họ vẫn chỉ được trả lương theo cấp học, đó là mầm non, tiểu học trả lương theo hệ trung cấp, THCS trả lương theo hệ cao đẳng và THPT trả lương theo hệ đại học. Ngoài ra, những giáo viên dù đã được vào biên chế và đã đi học để nâng cao năng lực nhưng vẫn không được chi trả lương theo văn bằng mới bổ sung.

Để giải quyết thực trạng này, năm 2015 Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT – BGDĐT – BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến giáo viên THPT giáo dục công lập.

Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tế gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Đơn cử, để thăng hạng, giáo viên phải dự thi 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Nhưng, với đại đa số giáo viên để có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu là không khả thi, đặc biệt với những giáo viên lớn tuổi.

Giáo viên Nghệ An thi tin học để đủ điều kiện xét thăng hạng
 Giáo viên Nghệ An thi tin học để đủ điều kiện xét  thăng hạng

Tạo điều kiện để thi/xét nâng hạng thực chất

Trên toàn tỉnh Nghệ An, qua tổng hợp của Sở GD&ĐT, hiện số lượng giáo viên chưa được bổ nhiệm vào hạng khá nhiều, đặc biệt là giáo viên mầm non. Số lượng giáo viên được xếp hạng cao nhất (hạng II đối với mầm non, tiểu học, hạng I đối với cấp THCS) có số lượng chênh lệch khá nhiều. Ở cấp THCS chỉ chiếm 0,4%, cấp mầm non là 32,6% và cấp tiểu học là 57,5%.

Ở bậc THPT, chỉ có 1/5.100 giáo viên là được xếp hạng I, 50/5.100 giáo viên được xếp hạng II. Thầy Nguyễn Văn Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 cho biết: “Trường chúng tôi hiện có 1 tiến sỹ, 45% giáo viên có trình độ thạc sỹ. Tuy nhiên, hiện đại đa số giáo viên vẫn chỉ đang được xếp hạng III và mức lương còn khá thấp”.

Ngày 30/11/2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư số: 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Theo đó, giáo viên không phải dự thi thăng hạng mà chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng kèm phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật.

Theo ông Nguyễn Huy Anh – Phó phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT Nghệ An: Thông tư số 29 đã “gỡ khó” cho giáo viên, tạo điều kiện để các giáo viên được thi, xét tuyển thăng hạng theo đúng với năng lực, trình độ.

Thực hiện Thông tư số 29, tỉnh Nghệ An cũng đã có chủ trương thi thăng hạng các hạng II, III đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giao cho các huyện tổ chức triển khai thực hiện. Sở cũng đã có kế hoạch cụ thể phối hợp với Trường ĐH Vinh và Trường CĐSP Nghệ An tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông hạng II, hạng III trong hè để chuẩn bị cho việc thi xét thăng hạng giáo viên trong năm 2018.

Riêng việc thi/xét thăng hạng II đối với giáo viên THPT do UBND tỉnh chủ trì hoặc giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Nội vụ chủ trì. Ngoài ra, với những giáo viên thi thăng hạng I do Bộ GD&ĐT chủ trì và được tổ chức tại Trường ĐHSP Hà Nội I cho giáo viên THPT, tại Trường Đại học Vinh cho giáo viên THCS.

Hiện, qua đăng ký, có 33/50 giáo viên THPT đăng ký thi thăng hạng từ hạng II lên hạng I (tỷ lệ 66%), 1.309 người/10.339 giáo viên THCS đăng ký thi hạng II lên hạng I (tỷ lệ 12,66%). Mặc dù số lượng giáo viên đăng ký thi thăng hạng khá cao so với giai đoạn trước nhưng lại thấp so với tổng thể. Nguyên nhân do nhiều giáo viên chưa đủ chuẩn để đăng ký theo quy định.

Bởi vậy, để việc thi/xét thăng hạng giáo viên thực chất và không chạy theo số lượng, thì mỗi giáo viên cũng phải thực sự cố gắng để tự nâng cao trình độ, để nâng hạng là thực chất và xứng đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ