Băng rừng tìm con chữ

GD&TĐ - Trường cách nhà hơn 10 km nên ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng nhiều học sinh Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) thức dậy để ăn sáng rồi đến trường tìm con chữ. Tan học, các em lại dò dẫm về nhà trên con đường tối mịt, đầy đất đá hoặc nhão nhoét bùn đất khi mưa xuống.  

Các em học sinh với hành trang là gạo, rau... trên vai để mang ra trường tự lo cho bản thân trong những ngày đến lớp.
Các em học sinh với hành trang là gạo, rau... trên vai để mang ra trường tự lo cho bản thân trong những ngày đến lớp.

Tiếng gọi bạn trong sương

Những ngày cuối tháng 9, khi học sinh đến trường tìm con chữ cũng là mùa của những cơn mưa nặng hạt đổ xuống khu vực Tây Nguyên. Những ngọn đồi cao chót vót, con đường đất đỏ rẽ núi khi mưa xuống trở nên sình lầy, nhớp nháp hơn bao giờ hết. Mặc cho đường xấu, có những đoạn trơn trượt nhưng không ngăn nổi tình yêu con chữ đối với những đứa trẻ nơi đây.

Do nhà cách xa trường nên nhiều em sinh sống tại 4 cụm dân cư 8, 9, 10, 12 của xã Đắk R’măng (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) quen với hành trình đầu tuần rồng rắn gùi đồ ăn ra nhà trọ gần trường rồi tự nấu nướng, ăn uống. Đến cuối tuần sau khi học xong, các em lại về nhà với gia đình.

Trên đường độc đạo dẫn vào làng, chúng tôi bắt gặp nhiều tốp học sinh lỉnh kỉnh đồ trên tay, nào là gạo, rau... cùng nhau vượt quãng đường hàng chục km để trở về trường chuẩn bị cho tuần học tiếp theo. Các em bước đi thoăn thoắt, băng qua những đoạn đường hiểm trở dường như quá đỗi thân thuộc. Thấy người lạ, ai cũng nhoẻn miệng cười rồi chạy toán loạn. Khi đoàn chúng tôi gần bị che khuất bởi những tán cây rừng, đám trẻ con ngoái đầu lại nhìn rồi tíu tít với nhau mấy câu bằng tiếng Mông sau đó rảo bước đi.

Anh Giàng Seo Phố (ở cụm 9, xã Đắk R’măng) có 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 7, đứa nhỏ nhất vào mầm non. Do không thể chở cùng lúc 4 đứa đi học, anh phải thuê nhà trọ gần trường để tiện việc đi học. Để tiết kiệm chi phí ăn ở, cuối tuần các con về, anh lại chuẩn bị chăn, gạo, rau... cho chúng mang ra dùng. Còn việc nấu ăn, giặt giũ, học hành thì các con tự lo, đứa lớn giúp đứa bé. Hôm nào rảnh rỗi hay có đồ ăn ngon, anh lại tranh thủ lên xe mang ra cho sắp nhỏ, nhân tiện kiểm tra chúng ăn ở ra sao.

Hoàn cảnh khó khăn, không có thời gian nên phụ huynh cho con ăn tạm trước khi vào lớp.
Hoàn cảnh khó khăn, không có thời gian nên phụ huynh cho con ăn tạm trước khi vào lớp. 

“Năm nào mình cũng thuê trọ cho tụi nhỏ ở. Mình cho tụi nhỏ học để biết con chữ, chứ như mình nói không sõi, không biết cái gì nên lạc hậu lắm”, anh Phố ngại ngùng nói.

Với những gia đình có điều kiện, thuê phòng trọ cho con ở lại vừa tiện việc đi học, gia đình không còn cảnh trông ngóng, sốt ruột mỗi sáng - chiều. Còn những gia đình khó khăn, khi cái ăn còn lo chưa đủ, việc thuê trọ dường như bất khả kháng. Do đó, các em nhỏ cứ tờ mờ sáng phải thức dậy, ăn sáng rồi rong ruổi băng hơn 10 km đến trường. Có đứa dậy muộn đành cầm tạm chiếc bánh vừa đi vừa ăn. Tan học, chúng lại dò dẫm về nhà trên con đường tối mịt, lởm chởm sỏi đá.

Khi núi rừng vẫn còn chìm trong bóng tối, vợ chồng anh Giàng Seo Dông (thôn 3, xã Đắk Som) cũng như nhiều gia đình khác đã lọ mọ thức dậy, nổi lửa chuẩn bị cơm cho cậu con trai Giàng Seo Chơ mới vào lớp 1 đến trường học con chữ. Cậu bé Chơ dụi dụi đôi mắt còn ngái ngủ miễn cưỡng thức giấc ăn vội nắm cơm trắng. Nhà Chơ cách Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính hơn 7 km, những ngày đầu chưa quen trường lớp, vợ chồng anh Dông đưa con đến trường. Giờ đã đi học được một thời gian, anh để con cùng các bạn tự đi bộ đến lớp. Còn 2 vợ chồng dậy cơm nước rồi mang theo lên nương rẫy.

“Đường đến trường xấu lắm, chỉ có xe máy, những đoạn sình lầy thì xe cày mới đi được. Lâu lâu, bố mẹ chở em đi, còn bình thường bố mẹ lên rẫy nên em và các bạn rủ nhau đi bộ đến trường. Hôm nay trời mưa nên bố đưa đi vì sợ em té ngã. Em không biết quãng đường bao xa, nhưng phải vòng vèo mãi mới tới được”, Chơ nói.

Những đứa trẻ không biết mặt chữ

Mặc dù khó khăn nhưng các em học sinh nơi đây vẫn rạng rỡ đến trường hi vọng học con chữ để thoát nghèo.
Mặc dù khó khăn nhưng các em học sinh nơi đây vẫn rạng rỡ đến trường hi vọng học con chữ để thoát nghèo. 

Bên cạnh những đứa trẻ được gia đình tạo điều kiện cho đến lớp học cái chữ còn nhiều em phải mưu sinh vì hoàn cảnh quá khó khăn. Trên đường về thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), chúng tôi bắt gặp 3 - 4 em nhỏ đang í ới gọi nhau sau một chuyến hái măng rừng trở về. Khi chúng tôi hỏi: “Sao các em không đến trường học chữ”, em Y Seh (người Mạ) vội ôm đống măng rừng chạy đi rồi nói vọng lại: “Không học đâu, em đi hái măng bán kiếm nhiều tiền hơn”.

Thầy Hoàng Ngọc Yêm, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính cho biết: Do điều kiện khó khăn nên nhiều trẻ không đến trường mà thích lên nương rẫy hoặc đi rừng. Mỗi ngày đi rừng, các em lấy măng, chuối về bán có thể kiếm được vài trăm nghìn nên nhiều em “lười” đến trường.

Để bảo đảm quyền lợi cho các em, thầy cô thường xuyên đến từng nhà, có khi lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh đưa con em mình đến trường. Tuy nhiên, có những lần các em đi lên rừng vài ngày hay cả tuần mới về. Bên cạnh đó, cũng có trẻ đến tuổi đi học nhưng chưa có giấy khai sinh. Thầy cô đến vận động, gia đình không muốn cho con đi học nên thấy bóng dáng người lạ là… trốn.

Theo thầy Vũ Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính, năm học này trường có khoảng 1.300 học sinh. Trong đó, 90% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông. Thầy Hiệp chia sẻ: Bên cạnh các em học sinh nhà ở địa bàn xã, còn có khoảng 300 em thuộc 4 cụm dân cư nằm sâu trong rừng của xã Đắk R’măng.

Do nhà cách trường xa, điều kiện gia đình lại khó khăn nên các em phải dậy từ sáng sớm rồi đi đến trường học. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường chỉ bán trú buổi trưa dành cho các em nhà xa học 2 buổi/ngày nên gia đình có điều kiện sẽ thuê nhà trọ gần trường cho con em mình.

Nhà khó khăn, các em ngày hai buổi đến trường trên con đường độc đạo đầy bùn đất. Gặp trời mưa ai nấy lấm lem bùn đất. Có trẻ đến trường trong tình trạng run rẩy vì mưa, rét và bữa ăn sáng chẳng thấm vào đâu so với đoạn đường các em vừa trải qua. “Lúc này, thầy cô lại ủ ấm, lo đồ ăn cho học sinh rồi tiến hành giảng dạy”, thầy Hiệp trao đổi.

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng cho biết; Do tập quán du canh, người dân sinh sống trên đất rừng phòng hộ nên không được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đường, trường, điện... kéo theo chuyện học của trẻ em bị ảnh hưởng. Trong đó, các cụm dân cư tự phát như 8, 9, 10, 11, 12 cách xa trung tâm xã từ 10 - 30 km. Đường đến trường của các em xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều trẻ em chịu cảnh mù chữ. “Hiện nay vấn đề nan giải nhất của chính quyền xã là chuyện học hành của trẻ em ở các cụm di cư tự do này”, ông Đại nhận định.

Còn theo ông Đoàn Văn Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đắk G’Long, năm học 2019 - 2020, toàn huyện có 5.632 trẻ trong độ tuổi đến trường. Những năm học trước tăng khoảng 1.000 trẻ nhưng năm nay con số đó đã tăng gấp đôi, với gần 2.000 trẻ.

Toàn huyện hiện thiếu 450 giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 306 giáo viên. Do thiếu cơ sở vật chất và giáo viên nên huyện chỉ có thể huy động được khoảng 4.000 trẻ đến trường. Chính vì vậy, khoảng hơn 1.600 trẻ trong độ tuổi đi học không được đến lớp.

Cũng theo vị trưởng phòng giáo dục, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng mới thêm 80 phòng học. Tuy nhiên, vấn đề thiếu giáo viên hiện vẫn nan giải. Điển hình như Trường Tiểu học Bán trú Vừ A Dính, năm học này thiếu khoảng 17 - 18 giáo viên. Hiệu trưởng và Hiệu phó ngoài quản lý cũng sẽ thay phiên nhau đứng lớp để tránh tình trạng trống tiết học.

Khi màn sương vẫn giăng mắc trên tán lá cây trong vườn, bọn trẻ đã í ới gọi nhau đi học. Đứa quần áo gọn gàng, tươm tất, đứa vì vội nên quần ống cao ống thấp, đứa mồm vẫn nhai dở miếng cơm. Nhưng không vì thế mà giảm niềm vui đến trường. Chúng gặp nhau là chuyện trò tít tít. Câu chuyện về trường lớp, bạn bè, thầy cô dường như là sức mạnh giúp chúng băng rừng tìm chữ, nuôi ước mơ xóa nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ