Tôn trọng cảm xúc của học trò

GD&TĐ - 18 năm đứng trên bục giảng, không chỉ đi tìm công thức tạo ra những lớp học có nhiều học sinh giỏi, cô giáo Phạm Việt Anh, Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) còn luôn đi tìm đáp án cho câu hỏi: Làm thế nào để có lớp học hạnh phúc?

HS Trường THPT Đống Đa bên sản phẩm do các em tự chế tạo
HS Trường THPT Đống Đa bên sản phẩm do các em tự chế tạo

Khơi gợi niềm yêu thích khoa học

Là giáo viên dạy Vật lý đồng thời Chủ nhiệm CLB nghiên cứu khoa học, Trưởng ban Tham vấn tâm lý, vì thế mỗi ngày đến trường, cô Việt Anh có nhiều thời gian quan tâm trò chuyện với HS. Từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử của học sinh luôn được cô hướng dẫn và uốn nắn một cách cụ thể, tận tình. Cô luôn ấp ủ, cố gắng học hỏi để mang lại cho học trò những bài học thật vui, sáng tạo và hấp dẫn.

Nhiều HS đam mê nghiên cứu khoa học, nhưng không có thời gian để thực hiện đam mê. Cô chia sẻ khó khăn với các em, khuyến khích trò thực hiện đam mê của mình. Phòng khoa học của trường luôn mở cửa đón các em đến nghiên cứu, khám phá để thỏa đam mê. Cả cô và trò đều vui và phấn khởi với những giờ học thú vị tại phòng thí nghiệm.

Là GV dạy học môn Vật lý, cũng là môn học hướng đến thế mạnh nghiên cứu, cô Việt Anh thường xuyên đổi mới phương pháp. Những bài giảng của cô gắn với những chủ đề có tính thực tế. Cô sử dụng phương pháp dạy học dự án, chia nhóm giúp HS hình thành ý tưởng. Cô giao HS lên dự án, hướng dẫn kiến thức nền, giúp HS hình thành 1 mô hình, sản phẩm thực tế có thể ứng dụng trong cuộc sống. Sau những tiết học Vật lý, các em mô hình đồ chơi mang về cho em mình.

Hiện, phòng NCKH của trường trưng bày khá nhiều sản phẩm do HS tự làm. Cô Việt Anh khoe: “Tôi khuyến khích các em vận dụng kiến thức lý thuyết áp dụng vào thực tiễn. Những sản phẩm các em tự làm được khơi gợi niềm yêu thích để các em tiếp tục tự tìm hiểu. Các môn học được biến hóa thành bài học thú vị qua những giờ trải nghiệm.

Câu lạc bộ khoa học do cô giáo hiệu trưởng Trần Thị Bích Hợp sáng lập năm học 2018 - 2019 đã và đang tạo nên giá trị của một “ngôi nhà” đầy niềm đam mê, hứng khởi và hạnh phúc cho cả cô và trò!

Tôn trọng cảm xúc của học trò

Cô giáo Phạm Việt Anh cùng HS tại CLB nghiên cứu khoa học của trường
Cô giáo Phạm Việt Anh cùng HS tại CLB nghiên cứu khoa học của trường 

Theo cô Việt Anh: Tôn trọng cảm xúc của học trò là một trong những yếu tố giúp cô tạo nên lớp học hạnh phúc. HS đến trường luôn có cảm xúc tích cực, thân thiện, cởi mở. Các em cảm thấy trường học là ngôi nhà thứ 2 của mình. Thay vì la mắng, dọa dẫm, hãy cho HS được sai lầm, được nói ra cảm xúc của mình trong môi trường học đường.

Cô Việt Anh tâm sự: “Cách đây nhiều năm tôi cũng rơi vào bế tắc. Vật lý là môn khoa học rất khó để cuốn hút học trò.Tôi cũng rơi vào trạng thái buồn sau mỗi giờ lên lớp. Mặc dù các tiết học tôi chuẩn bị khá kỹ, đầu tư vào giáo án khá nhiều nhưng dường như HS trong giờ học chỉ ngồi nghe mà tâm thế không có sự phấn khởi. Tôi nhận thấy các em không thích học môn học này.

May mắn, tôi gặp chị Trần Khánh Ngọc với phương pháp “Dạy học tích cực”. Tôi học tất cả các bài dạy học đổi mới phương pháp của chị. Tôi nhận ra mình yêu HS thôi chưa đủ mà phải yêu các em đúng cách. Khi tôi thay đổi phương pháp dạy học, HS hào hứng hơn. Lớp học không còn tình trạng cô giáo nói suốt thời gian dài mà trở nên sinh động. HS được thảo luận, phản biện, sáng tạo. Hiện tại tôi đang cố gắng để mỗi ngày thay đổi bản thân một chút. Học sinh hạnh phúc khi đến lớp, điều đó mới thực sự quan trọng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.