Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học được thiết kế với 35 tín chỉ; trong đó có 31 tín chỉ bắt buộc, 4 tín chỉ tự chọn. Chương trình dành cho người có nguyện vọng làm giáo viên THCS, THPT sẽ gồm 34 tín chỉ; trong đó 17 học phần chung và 17 học phần nhánh THCS hoặc THPT. Mục tiêu của các chương trình bồi dưỡng nhằm giúp người có bằng cử nhân các chuyên ngành không phải sư phạm, nhưng có sự phù hợp tương ứng với các môn học ở trường phổ thông; hội tụ phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên của trường phổ thông, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy - học, giáo dục ở trường phổ thông.
Ngay sau Thông tư được ban hành, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục bày tỏ đồng tình và hoan nghênh tinh thần chủ động, tích cực của Bộ GD&ĐT. Thông tư không chỉ dừng lại là văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019, mà còn là sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn khách quan. Bởi nhiều địa phương còn thiếu giáo viên, nhất là một số môn đặc thù. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thu hút người tài giỏi vào ngành Giáo dục.
Nói cách khác, việc cử nhân tốt nghiệp các ngành phù hợp sau khi học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được đứng lớp sẽ tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn cao, góp phần vào việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả. Điều này, không những không ảnh hưởng đến các trường sư phạm, mà còn giúp các trường khẳng định vai trò của mình trong thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Hiện hầu hết các trường sư phạm và những trường có khoa (ngành) sư phạm đã sẵn sàng bắt tay vào việc chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình… để có thể triển khai công tác bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trong thời gian sớm nhất có thể; từng bước hiện thực hóa ước mơ được làm “nghề cao quý trong các nghề cao quý” của nhiều người.
Chẳng thế mà, sau khi Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT được ban hành, nhiều người bày tỏ phấn khích vì giờ đây chỉ cần có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp tiểu học, THCS, THPT và học thêm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, sẽ có cơ hội trở thành nhà giáo. Điều này, đồng nghĩa với việc, họ có thể cạnh tranh với những người được đào tạo chuyên ngành sư phạm để tham gia tuyển dụng làm giáo viên.
Bởi nếu xét ở góc độ việc làm, môi trường sư phạm cũng nên được coi là thị trường lao động đặc biệt. Đã là thị trường lao động, cần có sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, công khai và ai giỏi sẽ được trọng dụng. Vấn đề đặt ra, chúng ta cần có cơ chế “mở cửa” để thu hút nhân tài. Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT được nhiều người ví như chiếc “chìa khóa” để mở một trong những cánh cửa này. Tất nhiên, đó không phải là “chìa khóa vạn năng”, bởi thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục cần nhiều yếu tố, với nhiều giải pháp căn cơ, thậm chí là cần có sự đột phá.