Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT - cho biết: Theo 2 dự thảo Thông tư, có 2 đối tượng được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ SP.
Đối tượng thứ nhất là những người tốt nghiệp trình độ ĐH ngành phù hợp với các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, có nguyện vọng trở thành GV tiểu học; và người tốt nghiệp trình độ ĐH ngành phù hợp với các môn học cấp THCS, THPT, có nguyện vọng trở thành GV THCS, THPT.
Đối tượng thứ 2 là những người đã được tuyển dụng làm GV nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ SP phù hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối tượng này, hiện tại số lượng không nhiều và dự thảo Thông tư quy định: “Các đối tượng có bằng ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ hoặc đang là GV được miễn các học phần tương ứng được học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được cấp bằng và chứng chỉ”.
Về chương trình bồi dưỡng, cấp tiểu học gồm 35 tín chỉ; trong đó phần bắt buộc có 31 tín chỉ và phần tự chọn có 4 tín chỉ. Chương trình bồi dưỡng với cấp THCS, THPT gồm khối học phần chung (phần A) và khối học phần nhánh: Khối học phần dành cho người tốt nghiệp trình độ ĐH ngành phù hợp với các môn học cấp THCS, có nguyện vọng trở thành GV THCS (phần B); người tốt nghiệp trình độ ĐH ngành phù hợp với các môn học cấp THPT, có nguyện vọng trở thành GV THPT (phần C). Trong đó, khối học phần chung là 17 tín chỉ (15 tín chỉ bắt buộc, 2 tín chỉ tự chọn). Khối học phần nhánh gồm 17 tín chỉ/nhánh.
“Đây là cách thiết kế chương trình theo hướng mở; người học có thể chọn 1 trong 3 cách: Tham gia học khối học phần chung và học khối học phần nhánh (phần B) để đủ điều kiện trở thành GV THCS; tham gia học khối học phần chung và học khối học phần nhánh (phần C) để đủ điều kiện trở thành GV THPT. Người học có thể tham gia học cả 2 học phần nhánh (B và C) và 1 lần học khối học phần chung để tăng cơ hội tuyển dụng, có thể làm GV THCS hoặc GV THPT” – ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Dự thảo Thông tư cũng quy định 2 hình thức bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chủ động lựa chọn hình thức bồi dưỡng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Một số học phần thực hành SP ở trường tiểu học, THCS, THPT không thực hiện bồi dưỡng trực tuyến. Người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng khi tham gia học tập đầy đủ các học phần quy định trong chương trình bồi dưỡng, có các bài kiểm tra học phần đạt từ 5 điểm trở lên.
“Các học phần được đề xuất trong chương trình bồi dưỡng được Ban soạn thảo nghiên cứu, tham khảo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ SP của các cơ sở đào tạo GV trọng điểm trên cả nước. Vì tính chất quan trọng của đào tạo nghề (SP) nên đề xuất học phần, thời lượng, yêu cầu về kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ bồi dưỡng… tương đương chất lượng đào tạo của đối tượng sinh viên SP. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ SP này ra đời, được các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng triển khai, thực hiện nghiêm túc, sẽ đáp ứng thêm nguồn tuyển dụng chất lượng cao, bên cạnh nguồn tuyển dụng từ các trường SP” – ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có 1 số môn học mới, 1 số môn học tích hợp, nhu cầu GV, đặc biệt các môn học đặc thù sẽ thiếu đáng kể. Việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ SP cho người tốt nghiệp trình độ ĐH ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành GV tiểu học, THCS, THPT là một nguồn bổ sung, bù đắp cho sự thiếu hụt nêu trên.