Hệ thống văn bản chỉ đạo sát tình hình thực tế
Đến nay đã có 60 /63 tỉnh, thành phố ra Quyết định ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Địa phương thực hiện tốt là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam…
Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 của các cấp học, lĩnh vực công tác và nhiệm vụ chung của toàn Ngành kịp thời trước ngày khai giảng năm học;
Đồng thời, Bộ cũng ban hành các văn bản chấn chỉnh, khắc phục tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách trong quản lý nhà trường, tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm tràn lan, đồng phục học sinh và sử dụng tài liệu tham khảo sai quy định.
Các Sở GD&ĐT đã tham mưu tích cực với chính quyền địa phương ban hành ban hành quyết định kế hoạch thời gian năm học; chỉ thị của Tỉnh , Thành ủy hoặc của UBND tỉnh, thành phố về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2013 - 2014, các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương;
Các Sở đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh tựu trường, khai giảng, học tập và triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý nhà nước về giáo dục theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục tiếp tục được hoàn thiện.
Đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế Sở GD&ĐT; 38/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế Phòng GDĐT.
Các địa phương đã tăng cường các giải pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, triển khai kiểm tra hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.
Chuyển trọng tâm công tác thanh tra
Thanh tra thi tốt nghiệpTHPT năm 2014 đã thực hiện có hiệu quả theo tinh thần đổi mới, qua đó góp phần quan trọng vào thành công của kỳ thi, được dư luận đánh giá cao.
Công tác thanh tra tiếp tục được đổi mới, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành, chuyển trọng tâm thanh tra từ chủ yếu về chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nhất là thanh tra các vấn đề bức xúc trong xã hội như dạy thêm học thêm, thu, chi đầu năm học, tuyển dụng, sử dụng, chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý;
Đã xử lý nghiêm, kiên quyết các sai phạm của các cơ sở giáo dục và thông báo công khai trước công luận; đã đưa nội dung phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục THPT, TCCN.
Ở nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ thanh tra và cộng tác viên thanh tra Sở GD&ĐT được kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thanh tra một số Sở GD&ĐT (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Ngãi…) đã triển khai đổi mới hoạt động thanh tra theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP; tăng cường thanh tra đối với hoạt động giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng trên địa bàn theo phân cấp (TPHCM, Hà Nội…).
Triển khai thiết thực ứng dụng CNTT trong quản lý
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thông qua hình thức trực tuyến được triển khai thiết thực, góp phần thực hành tiết kiệm và tăng cường hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Nhiều Sở GD&ĐT (Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Bắc Giang)… đã tổ chức tập huấn chuyên môn, tổ chức ôn tập cho học sinh bằng hình thức trực tuyến; phát triển các dịch vụ công trực tuyến của ngành Giáo dục; xây dựng nguồn học liệu mở để học sinh, giáo viên tham khảo; triển khai bồi dưỡng giáo viên qua Internet; quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, quản lý các cuộc thi, kỳ thi bằng các giải pháp công nghệ thông tin phù hợp.
Bộ GD&ĐT đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2014 - 2020 với Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, tích cực triển khai thỏa thuận các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để phục vụ công tác quản lý, công tác dạy và học trong ngành Giáo dục.
Chú trọng công tác truyền thông về GD - ĐT
Công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo đã được Bộ và các Sở GDĐT (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng, Kon Tum, Bình Dương…) chú trọng.
Các chủ trương lớn của ngành, của mỗi địa phương được chủ động cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, chuyển tải tới nhân dân, nhận được sự phản hồi của dư luận đã có sự điều chỉnh, được dư luận xã hội đồng thuận cao.
Năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo phát hành sách giáo khoa (trên 90 triệu bản), học liệu giáo dục và các xuất bản phẩm giáo dục khác với giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh trên cả nước;
Bộ cũng chỉ đạo các địa phương bổ sung sách cho thư viện trường học hoặc tủ sách dùng chung, vận động sử dụng sách giáo khoa cũ, quyên góp sách giáo khoa tặng lại cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn; đóng góp tích cực vào chương trình học bổng Em không phải bỏ học (do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chủ trì).