Đến nay, cả nước đã có 18 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Năm 2013 có 6 tỉnh: Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, năm học này có thêm 12 tỉnh đạt chuẩn phổ cập là Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nội, Khánh Hòa, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Trị và TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, đến nay về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã có 87,2% đơn vị cấp xã, phường, thị trấn (tăng 14,8%); có 56,9% đơn vị cấp huyện (tăng 14%), có 29,0% đơn vị cấp tỉnh (tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước).
100% các tỉnh, thành phố đã thực hiện chuyển đổi các trường mầm non bán công, dân lập sang loại hình theo quy định.
Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 23,4 % (tăng 0,4%); trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 87,1 % (tăng 0,6%). Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,3%.
Năm học vừa qua, toàn Ngành tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ 3,6%%, mẫu giáo 4,3%, giảm so với năm học trước (nhà trẻ 0,7% và mẫu giáo 0,3% ); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ 4,5%, mẫu giáo 4,9 %, giảm so với năm học trước (nhà trẻ 0,5% và mẫu giáo 0,3%).Tỉnh Bả Rịa – Vũng Tàu chi kinh phí trên 12 tỷ/ năm chương trình “ Sữa học đường” cho trẻ mầm non.
Bộ GD&ĐT đã rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số; hoàn thành tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho lớp ghép.
Đồng thời chỉ đạo các địa phương củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.