Tiếng vọng xưa Hàm Rồng

GD&TĐ - Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) là cây cầu huyền thoại trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, biểu tượng cho ý trí kiên cường quân và dân Thanh Hóa anh hùng. 

Tiếng vọng xưa Hàm Rồng
Tiếng vọng xưa Hàm Rồng ảnh 1Tiếng vọng xưa Hàm Rồng ảnh 2Tiếng vọng xưa Hàm Rồng ảnh 3Tiếng vọng xưa Hàm Rồng ảnh 4Tiếng vọng xưa Hàm Rồng ảnh 5Tiếng vọng xưa Hàm Rồng ảnh 6
Ký ức trận đầu thử lửa

Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông Bắc – Nam. Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã nhằm mục tiêu vào cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Quân và dân ta đã ra sức bảo vệ để cầu Hàm Rồng vẫn đứng vững hiên ngang trước bom đạn của kẻ thù. Những chiến thắng, mất mát đau thương trong những ngày tháng hào hùng ấy vẫn không thể nào quên với những người tham gia trận chiến.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1941), ở phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa bồi hồi nhớ lại: Năm 1960, bà làm kế toán cho Xí nghiệp Lò cao Hàm Rồng. Năm 1964, bà tham gia tổ dân quân tự vệ của xí nghiệp. Đội của bà Hạnh gồm có 6 cô gái ở độ tuổi đôi mươi, đêm thì tham gia sản xuất, ngày thì làm nhiệm vụ cứu thương, lắp đạn cho pháo cao xạ… để tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. 

Bà vẫn nhớ như in ngày 3,4/4/1965, máy bay Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng. Bà Hạnh được trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ trận địa. Bà cùng 5 người con gái khác trong đội gánh nước lên đồi C4 để giúp bộ đội lau nòng pháo; lắp đạn, những khi cuộc chiến ác liệt các cô gái cũng trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu. Ngày đầu chúng ta chiến thắng vang dội, nhưng những ngày sau giặc Mỹ bắt đầu bắn phá trận địa và đã có nhiều mất mát, hi sinh.

Ngày 5/7/1965, máy bay Mỹ thả bom vào đúng trận địa nơi tổ dân quân của bà làm nhiệm vụ. Lúc đó, bà đang phục vụ cứu thương ở dưới trận địa, nhìn thấy mù mịt khói bom cùng đất đá. 

Bà vội chạy lên trận địa thì thấy người chết, người bị thương nặng, người bị đất vùi lấp. Trung đội trưởng của bà cũng bị thương nặng, người xám đen, bom xé bay hết quần áo trên người. Bà vội vàng cõng đồng đội chạy xuống chỗ cứu thương vừa kêu cứu mọi người đến trợ giúp. Cảnh tượng lúc đó bà vẫn không thể nào quên được, người thì cõng người bị thương, người thì bới đất tìm đồng đội…

Sáu cô gái dân quân Lò cao Hàm Rồng ngày ấy bây giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại; người đã mất, người để lại một phần cơ thể của mình tại trận địa chiến đấu Hàm Rồng. Bà Hạnh tâm sự: “Hàng năm, đến ngày kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng, trong lòng chúng tôi lại hừng hực khí thế với bao cảm xúc dâng trào. Bởi nơi đó không chỉ gắn với một thời máu lửa của lịch sử đất nước mà còn là nơi chúng tôi đã bỏ một phần xương máu”.

Cùng ký ức về ngày lịch sử 3,4/4/1965, nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển (SN 1946), người đã làm nên điều kỳ diệu là vác trên vai 2 hòm đạn nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể chạy băng qua đê tới bờ sông cho bộ đội có đạn kịp thời bắn hạ máy bay Mỹ - cũng xúc động tâm sự: Ngày hôm đó, máy bay Mỹ chia thành nhiều tốp để đánh phá cầu Hàm Rồng, cuộc chiến chống trả lại máy bay địch vô cùng quyết liệt. 

Lúc đó, tôi không nghĩ gì hết mà chỉ lo lắng nếu không tiếp đạn kịp thời cho bộ đội bắn trả máy bay Mỹ thì cầu Hàm Rồng sẽ bị tiêu hủy. Con đường huyết mạch tiếp tế cho chiến trường miền Nam sẽ bị đứt đoạn. Đó là động lực để tôi có sức mạnh vác trên vai hai hòm đạn, dù lúc đó tôi chỉ vừa tròn 19 tuổi và nặng 42 kg.

Những bia mộ biết nói

Chúng tôi ghé thăm cầu Hàm Rồng trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng. Sông Mã êm đềm chảy, như chưa từng có hàng nghìn tấn bom đạn đã trút xuống nơi đây. 

Cây cầu Hàm Rồng đã được sửa chữa lại kiên cố, không còn dấu tích tàn phá của chiến tranh. Nếu không được nghe kể về những ngày tháng máu lửa ấy chúng tôi, thế hệ sau chưa biết chiến tranh là gì, sẽ không biết được cây cầu sắt ấy lại mang trong mình cả lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bà Vũ Thị Phương (SN 1950), ở phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, đã để lại một cánh tay phải của mình trong trận oanh tạc của giặc Mỹ khi còn là cô gái trẻ mới 20 tuổi. 

Bà Phương là công nhân nhà máy Phân lân Hàm Rồng (nay là Công ty CP phân bón Hàm Rồng). Năm 1970, bà tham gia dân quân tự vệ và là Đội trưởng đội dân quân tham gia trực triến với đội C4 bảo vệ cầu Hàm Rồng. 

Ngày 9/6/1972, trong khi đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ máy bay Mỹ ầm ầm kéo đến oanh tạc. Lúc đó bà bị thương nặng, cánh tay phải bị dập nát, nhìn xung quanh bà thấy nhiều người nằm ngổn ngang, máu chảy đỏ nền đất. Bà không thấy đau đớn gì, vội đứng lên kéo những người bị thương vào hầm trú bom rồi chạy đi gọi mọi người đến giúp đỡ. 

Mất đi một cánh tay phải, bà Phương phải bắt đầu lại mọi sinh hoạt trong cuộc sống của mình. Bà tập viết, tập đi xe, tập làm việc bằng cánh tay còn lại. Bà bùi ngùi nói: “Dù sao mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây”.

Trong cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc lần thứ 2 năm 1972 của không quân Mỹ, máu đã nhuộm đỏ dòng sông Mã. Nhiều người như bà Phương để lại một phần thân thể nơi trận địa, cũng có biết bao người đã hi sinh và còn có những liệt sỹ không mặc áo lính. 

Nơi đây, bên dòng sông Mã, buổi sáng định mệnh 14/6/1972, máy bay Mỹ đã ném bom khi hơn 2.000 giáo sinh trường Y, trường sư phạm 7 + 3 đang làm nhiệm vụ đắp đê sông Mã. 

Theo thống kê ban đầu của ngành chức năng, có 64 giáo sinh trường Y, trường sư phạm 7 + 3 đã hi sinh trên công trường trong buổi sáng hôm đó; 96 người khác bị thương nặng, 187 người bị thương nhẹ, 8 người mất tích. Phần lớn họ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ với bao ước mơ, hoài bão còn dang dở. Để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, ngày 17/4/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định xây dựng đài tưởng niệm sự kiện lịch sử này. 

Những mất mát hi sinh to lớn ấy đã làm nên lịch sử hào hùng của chiến thắng Hàm Rồng. Hôm nay, thế hệ trẻ thêm tự hào về những kỳ tích mà cha ông đã làm được. Cầu Hàm Rồng đang trở thành một điểm du lịch trong hành trình du lịch sông Mã. 

Về với Hàm Rồng không những được chiêm ngưỡng một vùng non nước hữu tình mà quan trọng hơn, là được nghe tiếng vọng một thời hào hùng của lịch sử dân tộc.

Cầu Hàm Rồng được Pháp xây dựng năm 1904, bị phá hủy năm 1962 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Ngày 19/5/1964, cầu Hàm Rồng được xây dựng lại. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Mỹ (1965-1968), cầu Hàm Rồng là tâm điểm bắn phá của máy bay địch. 

Tuy nhiên, với sự chiến đầu quyết liệt của quân dân ta, cầu Hàm Rồng vẫn đứng vững vàng. Đến ngày 6/10/1972, Mỹ đã sử dụng bom thông minh (bom điều khiển bằng laser) đánh trúng cầu Hàm Rồng. Hòa bình lập lại, ngày 19/5/1973, cầu Hàm Rồng được xây dựng mới. 

Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân dân Thanh Hóa đã bảo vệ cầu Hàm Rồng vững chắc, lập nhiều chiến công hiển hách: Bắn rơi 117 máy bay tối tân của Mỹ. Chỉ tính trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, quân dân Thanh Hóa đã bắn hạ 47 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ