Iraq: Giáo dục là vũ khí chống chủ nghĩa cực đoan

GD&TĐ - Mosul, thành phố lớn thứ 2 Iraq và cũng là thành trì của tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan khét tiếng IS, đã được giải phóng gần như hoàn toàn vào cuối tuần qua. 

Iraq: Giáo dục là vũ khí chống chủ nghĩa cực đoan

Tuy nhiên, tàn dư của ý thức hệ cực đoan không sụp đổ ngay và sẽ còn tồn tại dai dẳng - và giáo dục được coi là vũ khí hữu hiệu giúp thế hệ trẻ Iraq miễn nhiễm với chủ nghĩa cực đoan.

Mơ ngày về Mosul

Khi IS kiểm soát Mosul và biến nơi này thành cứ điểm quan trọng nhất của chúng tại Iraq, khoảng 480.000 người đã rời bỏ nhà cửa tới các trại định cư tạm thời (IDP) để tránh giao tranh và cũng tránh cho con cái bị “nhồi sọ” chủ nghĩa cực đoan.

“Khi cháu phải nghỉ học, cảm giác như là ngày cuối đời vậy” - cô bé Ayesha 12 tuổi nhớ lại thời loạn lạc 2 năm qua - “IS đã giết cha cháu và đó cũng là lần cuối cùng cháu tới trường”. Sau khi cùng gia đình chạy loạn tới trại IDP Hasensham, nằm ngay sát Mosul, Ayesha được đi học trở lại.

“Trường học giúp cháu trở thành người mạnh mẽ, và chúng cháu có thể thay đổi tương lai nếu có giáo dục” - cô bé tự tin nói. Lớp học của Ayesha còn rất sơ sài, học sinh ngồi tạm trên những chiếc ghế tựa của người lớn và như Ayesha chỉ hơi chạm ngón chân xuống đất - nhưng với cô bé được đến trường đã là niềm hạnh phúc lớn.

Cho dù hôm 21/5, quân chính phủ tuyên bố giành quyền kiểm soát Mosul nhưng thực tế đường về nhà còn rất xa với người dân Mosul. Lính bắn tỉa IS vẫn ẩn náu tại nhiều góc phố, mìn cài khắp nơi. Vì vậy mà trường học “dã chiến” tại các trại IDP vẫn sẽ là lựa chọn duy nhất cho học sinh tản cư.

Khó khăn nơi đất khách

Khi phiến quân IS chiếm các thị trấn, trường học trong khu vực chúng kiểm soát muốn duy trì hoạt động thì phải thực hiện chương trình GD mà IS ban bố. Sách giáo khoa Toán sử dụng các bài toán cộng như “bom cộng với súng bằng…” để nhồi sọ trẻ từ rất nhỏ - khiến nhiều phụ huynh cho con nghỉ học để tránh bị nhiễm tư tưởng cực đoan.

Một hiệu trưởng hiện sống tại trại Dibaga kể rằng, sau khi IS tấn công vào làng, ông đã khoá cửa trường để IS không vào được khu trường học. Một ngày sau, ông cùng một số giáo viên bí mật trở lại lấy giấy tờ và sách vở. Nay hiệu trưởng này dạy tại trường ở Dibaga và giống như nhiều thầy giáo khác, dạy miễn phí.

Mặc dù nhiệt huyết với công việc, nhưng thiếu thốn cơ sở vật chất là thách thức lớn với những thầy giáo tình nguyện. Các trường học tại trại IDP thực tế chỉ là các phòng học dựng bằng lều bạt.

Iraq vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trường lớp trên cả nước. Ngày 16/9/2015, Bộ Giáo dục thừa nhận các lớp học quá đông ảnh hưởng tiêu cực tới việc giảng dạy và nước này cần khoảng 9.000 trường học mới.

Thiếu trường và lớp học quá tải không chỉ là vấn đề của các trường thành phố. Theo al-Khafaji, giáo viên Trường Trung học Al-Yarmouk, nằm ở vùng nông thôn cách trung tâm tỉnh Babil 50 km, nhiều lớp tại các trường nông thôn có 70 học sinh từ các làng khác nhau đến học.

Với Abu Rihap al-Shammari, giáo viên tại thành phố al-Suwaira, Nam Baghdad, chính tha hương là một nhân tố quan trọng khiến các lớp học quá tải.

Việc dạy học đối tượng học sinh đã từng sống qua thời IS kiểm soát - gặp nhiều khó khăn. Nhiều em sang chấn tâm lí tới mức câm lặng. Khi tiếng âm nhạc cất lên, có em bật khóc bởi nỗi ám ảnh chơi nhạc sẽ bị trừng phạt dưới chế độ hà khắc của IS. Một khó khăn khác là nhiều em đã nghỉ học trong thời gian khá dài, có khi tới 3 năm - vì vậy khó để đuổi kịp chương trình đã mất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ