Iran tấn công Israel: Phải chăng điểm tựa là vũ khí hạt nhân?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, khi Iran đã dám tấn công trực tiếp vào Israel, điều này cho thấy rất có thể nước này đã có vũ khí hạt nhân, dù không công bố.

Iran tấn công Israel: Phải chăng điểm tựa là vũ khí hạt nhân?

Iran đã thách thức sức mạnh quân sự của Israel

Sau cuộc tấn công tổng hợp của Iran bằng hàng chục tên lửa khác nhau, gồm cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, cùng với hàng trăm máy bay không người lái kamikaze tầm xa vào Israel vào đêm ngày 14/4, nhiều chuyên gia bắt đầu chú ý đến các dấu hiệu đằng sau liên quan đến quá trình này.

Một số người nghi ngờ đã có sự dàn xếp giữa các quốc gia tham gia cuộc đối đầu để giảm thiểu thiệt hại cho Israel nhằm tránh gia tăng xung đột, nhưng có người chú ý đến các chi tiết khác đặc biệt là tính chất của vụ tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel.

Bình luận về vấn đề này, nhà khoa học chính trị Marat Bashirov, Giáo sư Đại học HSE đã trình bày kết luận về vấn đề này trên kênh Telegram của mình rằng, bằng cách thực hiện một cuộc tấn công phi hạt nhân vào Israel, Iran đã phá vỡ học thuyết răn đe khu vực của mình.

Theo ông, nếu Tel Aviv không tấn công thì Tehran cũng không giáng đòn, nhưng nếu Israel động đến thì Iran nay đã dám trả đũa trực tiếp, chứ không còn giáng đòn gián tiếp bằng các lực lượng ủy nhiệm.

Đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong học thuyết răn đe của mình.

“Iran đã đề nghị với Israel một ván đấu thú vị. Nếu bạn đánh, chúng tôi đánh, nếu bạn trả lời, chúng tôi sẽ trả lời; còn nếu bạn không trả lời, chúng tôi cũng sẽ không trả lời” - ông Bashirov viết.

Đồng thời, chuyên gia này chỉ ra, việc giới tinh hoa ở Tel Aviv giữ im lặng, tức là không trả thù hay không đáp trả thách thức từ Tehran sẽ đồng nghĩa với sự thất bại, từ đó các nước láng giềng sẽ không còn sợ Israel nữa.

Ông Bashirov chỉ ra, trong nhiều năm qua, học thuyết răn đe của Israel dựa trên sự chèn ép các nước láng giềng, cũng như các hoạt động nhắm mục tiêu vào các nhóm khủng bố và lực lượng quân sự đối phương, như ở Gaza ngày nay, dựa trên nền tảng là lực lượng quân sự vượt trội.

Bằng cuộc không kích toàn diện vừa qua, Iran đã phá vỡ học thuyết này và đề xuất một cuộc xung đột quân sự toàn diện giữa các quốc gia, dựa trên nền tảng cán cân sức mạnh tương đồng.

Phải chăng Iran đã sở hữu vũ khí hạt nhân?

Ông Bashirov tin rằng, hiện nay không chỉ người Israel mà cả phương Tây cũng đang suy nghĩ sâu sắc về hậu quả của một cuộc chiến tranh toàn diện với Iran.

Việc chuyển từ đối đầu cường độ thấp sang đối đầu quân sự toàn diện sẽ đồng nghĩa với việc làm tê liệt việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là năng lượng, qua eo biển Hormuz (vịnh Ba Tư ra Ấn Độ Dương) và eo biển Bab el-Mandeb (từ Địa Trung Hải qua Biển Đỏ, ra Ấn Độ Dương).

Ngoài ra, phương Tây sẽ phải lựa chọn giữa hai vấn đề khó giải quyết là tập trung giúp đỡ Israel hay Ukraine, khi từ lâu Israel đã là hạt nhân trong chính sách kiềm chế Iran, thống trị Trung Đông của Mỹ, còn Ukraine hiện đang là trọng tâm trong chính sách làm suy yếu Nga ở châu Âu.

Nhưng đó không phải là tất cả những điều làm phương Tây và Israel phân vân, mà điều đằng sau khiến Tel Aviv và Washington lo ngại là với “hành động liều lĩnh” vừa qua, phải chăng Tehran đã cảm thấy đã “đủ lông, đủ cánh”, hay nói cách khác là Iran có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân?

Hiện nay, giới truyền thông Trung Đông đang tích cực thảo luận về các vấn đề hạt nhân trong khu vực, mà điều đặc biệt là họ cho rằng Iran đã có được vũ khí hạt nhân của riêng mình nên Tehran có thể tự tin đối đầu được với Tel Aviv và không còn sợ sự can dự của Washington.

Dự đoán này không phải hoàn toàn vô lý, bởi vì Israel đã thống trị Trung Đông trong nhiều năm qua không chỉ đơn thuần là dựa vào “ưu thế công nghệ quân sự vượt trội” do Mỹ cung cấp, mà chính xác là do sự hiện diện của vũ khí hạt nhân, thứ mà Tel Aviv chưa bao giờ tuyên bố sở hữu, nhưng mọi người đều biết rằng Israel đã có.

Do đó, nếu Iran đã lần đầu tiên trong lịch sử dám tấn công Israel trực tiếp từ lãnh thổ của mình, điều đó có nghĩa là nước này “không chính thức” sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng hoàn toàn có thể đã sở hữu nó. Điều này không ai dám khẳng định chắc chắn, nhưng cũng chẳng ai dám liều mình muốn thử.

Cuối cùng, chuyên gia Marat Bashirov kết luận: Một nghịch lý là chính việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực chiến sự lại có thể trở thành nền tảng cho một hiệp ước hòa bình trong khu vực. Nếu một số quốc gia sở hữu nó, thì một kịch bản phản răn đe sẽ xuất hiện và nó cũng không khác gì tình trạng của Triều Tiên ở khu vực Đông Á hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ