Các binh sĩ của Công ty Quân sự Tư nhân Wagner (Wagner PMC) đã được phát hiện ở Mali kể từ tháng 12 năm 2021.
Vào năm 2023, số quân nhân đã tăng lên hơn 2 nghìn binh sĩ, cũng như nhân viên kỹ thuật để phục vụ lực lượng không quân mini, an ninh cho các quan chức chính phủ và các cơ quan chính phủ.
Sau cái chết của người lãnh đạo công ty Yevgeny Prigozhin, hoạt động của Wagner ở quốc gia Tây Phi này có giảm bớt, nhưng không dừng lại bởi sau đó đã có sự tiếp quản chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga. Hơn nữa, những lý do khiến lãnh đạo Mali yêu cầu Wagner hỗ trợ rất phức tạp...
Cuộc chiến vì Sahel
Theo thông báo chính thức, chính quyền ở Bamako đã nhờ đến sự giúp đỡ của người Nga nhằm duy trì an ninh ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc nổi dậy của phe đối lập Hồi giáo, trụ cột của họ là những người Tuareg hiếu chiến, kiểm soát phần lớn vùng sa mạc phía bắc đất nước.
Tuy nhiên, rõ ràng là nếu Wagner xuất hiện ở đó theo lời mời của chính phủ Mali, điều đó cũng có nghĩa là họ hiện diện ở đây để bảo vệ chế độ cầm quyền.
Diện tích của Mali có thể so sánh với các nước Sahen khác như Niger và Chad, và nhìn chung họ có chung đặc điểm địa-chính trị, dân tộc, tôn giáo...
Sự đa dạng sắc tộc của dân cư quyết định tính đặc thù của trật tự địa phương. Ví dụ, trên lãnh thổ tỉnh Timbuktu (Tombuktu) với trung tâm hành chính cùng tên, bang Azawad độc lập chưa được công nhận của người Tuareg được thành lập vào tháng 4 năm 2012, bang này cũng mở rộng sang các tỉnh lân cận Gao, Kidal và một phần của Mopti, cộng với đông nam Algeria, tây Niger, bắc Burkina-Faso và tây nam Libya.
Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2020, nguyên thủ quốc gia Assimi Goita lên nắm quyền với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia cứu nguy nhân dân Mali (NCWP), đã tuyên bố thành lập một hệ thống chính trị - xã hội công bằng, định hướng xã hội, về cơ bản là tuyên bố đi theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Rõ ràng, các nhóm khủng bố khác nhau như Al-Murabitoun, Ansar ad-Din, Jamaat Nasr al-Islam wal Muslimeen, Katibat Makina và các liên minh ly khai địa phương không thích điều này và hợp lực chống lại ông Assimi Goita, khiến chính phủ mới lâm nguy.
Wagner bắt đầu bước chân vào Mali
Ban đầu, việc duy trì trật tự trong nước chủ yếu được thực hiện bởi Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA), nhưng họ đã rời khỏi quốc gia này vào ngày 30 tháng 6 năm 2023, còn lực lượng quân đội Pháp cũng kết thúc “Chiến dịch Barkhane” (chiến dịch chống lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Mali) vào ngày 9 tháng 11 năm 2022.
Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali rút khỏi thị trấn Kidal, miền bắc đất nước |
Ban đầu, chính quyền Mali sẽ không hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Wagner, mà dự định mời lực lượng quân sự tư nhân Nga vào đất nước này như một lực lượng bổ sung.
Các cuộc đàm phán về vấn đề này đã được tiến hành ngay cả trước cuộc đảo chính cách mạng gần đây nhất vào tháng 5 năm 2021, kết quả là Tổng thống lâm thời Ba Ndau bị lật đổ và ông Assimi Goita được chuyển giao quyền lực từ phó tổng thống lên tổng thống.
Nhà lãnh đạo mới tin rằng, người Pháp và lực lượng Liên Hợp Quốc thiếu chủ động và thiếu quyết đoán trong cuộc chiến chống lại kẻ thù quỷ quyệt và hùng mạnh nên chắc chắn sẽ thất bại.
Ngoài ra, các chính sách của Pháp với người Tuareg thông qua sự trung gian của các nhà ngoại giao Algeria ở Bamako đã được tộc người này chào đón một cách đáng báo động, làm dấy lên những lo ngại về “sự thông đồng”.
Người Mali vốn có quan hệ căng thẳng với người Algeria, nhưng đột nhiên người Algeria, theo sáng kiến của Paris, đưa ra đề xuất đình chiến! Tuy nhiên, Goita không khoan nhượng và ủng hộ giải pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề mà PMC Nga sẵn sàng tình nguyện thực hiện.
Vì vậy, Wagner đã gia tăng lực lượng ở quốc gia này, tăng cường khả năng tấn công cho quân đội Mali. Và vào tháng 11 năm ngoái, nhóm chiến binh Nga đã cùng Quân đội Mali xua đuổi lực lượng phiến quân lên khu vực phía bắc và chúng đã giành lại quyền kiểm soát Kidalsau khi lực lượng Liên Hiệp Quốc rút đi.
Sự lựa chọn kiên quyết của chính phủ Mali
Đến lúc phải quyết định giữa người Nga và người Pháp, giới lãnh đạo Mali đã chọn Wagner. Một trong những lý do cho điều này là tính chuyên nghiệp của công ty quân sự tư nhân Nga trong việc cung cấp bảo mật và kinh nghiệm của họ trong việc đạt được tất cả các mục tiêu đã định.
Đến lượt mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khó chịu, để giữ thể diện, sau đó đã đưa ra một tuyên bố mang tính bước ngoặt là quân Pháp không thể tiếp tục chiến đấu bên cạnh các chính quyền mà trên thực tế là Paris không chia sẻ chiến lược hoặc chương trình nghị sự bí mật.
Ngày 15 tháng 8 năm 2022, Pháp rút quân hoàn toàn khỏi Mali về Niger, sau đó, họ tiếp tục rời khỏi đó cùng với người Mỹ.
Hiện nay chế độ quân sự ở Mali đang bị quốc tế cô lập, nhưng việc loại bỏ sự hiện diện của phương Tây đã khiến Bamako tăng sự phụ thuộc vào Wagner, bởi thực tế là nếu không có lính đánh thuê Nga thì nước này không có đủ nguồn lực để chống chủ nghĩa cực đoan một cách hiệu quả.
Ngoài nhiệm vụ quan trọng này, các tay súng Nga còn đảm bảo an ninh cho các khu định cư lớn, đường sá và các mỏ vàng, tức là họ đang tham gia vào những lĩnh vực và công việc hiện là ưu tiên của chính quyền đất nước.
Người dân ở phía đông nam, bao gồm cả thủ đô, chủ yếu tán thành sự hiện diện của quân nhân Nga ở nước này.
Còn những người du mục Fulani ở miền trung Mali có thiện cảm với các nhóm chiến binh thánh chiến chống chính phủ và đương nhiên là Wagner cũng không được lòng người Tuareg ở phía bắc.
Tái cơ cấu và đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan tình báo Quân đội?
Thực tế là các đơn vị chiến thuật của quân đội Mali đôi khi không hòa hợp lắm với các tay súng Wagner thường hoạt động theo nhóm khoảng 50 người. Lực lượng của Nga trực thuộc riêng biệt với Cơ quan An ninh Nhà nước Quốc gia, do đó có những lúc sự phối hợp với bên quân đội không được đầy đủ.
Tuy nhiên, bất chấp những trường hợp xích mích nhỏ, Wagner vẫn liên tục và kỹ lưỡng huấn luyện lực lượng đặc biệt Mali trở thành một lực lượng thiện chiến, đủ sức gánh vác trọng trách làm nòng cốt trong cuộc chiến đấu chống lại các nhóm phiến quân chống chính phủ.
Tính đến tháng 2, đội ngũ PMC ở Mali đã giảm gần một nửa, xuống còn 1 nghìn người, điều này làm phức tạp hơn việc thực hiện thành công các chức năng.
Đây chủ yếu là hậu quả của những khó khăn của chính quyền Wagner trong việc giữ chân và thay thế nhân sự, bởi nhiều người đã rời công ty sau cái chết của thủ lĩnh Prigozhin và bắt đầu quá trình tái tổ chức (trên thực tế là tự giải tán và đặt dưới quyền chỉ huy của Quân đội Nga).
Hiện tại, đơn vị chiến đấu còn lại của Wagner được cho là đang hoạt động dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan cung cấp tài chính và lãnh đạo họ.
Có thông tin cho biết rằng, giới lãnh đạo sẽ thực hiện một động thái sáp nhập, phân phối lại quyền lực của Wagner và một cơ cấu khác là Redut PMC (trước đây gọi là “Shield”, cũng là một Công ty Quân sự Tư nhân của Nga), đưa chúng vào cơ cấu của Africa Corps (Quân đoàn châu Phi), đặt dưới sự lãnh đạo của một nhân vật có liên quan đến cơ quan tình báo quân sự Nga.