Căng thẳng giữa Tel Aviv và Tehran bắt nguồn từ ngày 01/4, khi Bộ Quốc phòng Syria thông báo về cuộc không kích của Không quân Israel đánh vào Tổng lãnh sự quán Iran ở Damascus, giết chết 7 người Iran, trong đó có 3 tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Sau vụ không kích, chính quyền Tehran tuyên bố có quyền đáp trả “cuộc tấn công bất chấp các luật lệ quốc tế” của Israel vào Tổng lãnh sự quán và phân định chính xác cách “trừng trị kẻ xâm lược”.
Trên thực tế, dù Iran đã lên tiếng như vậy nhưng không mấy người tin vào việc Tehran sẽ tung đòn tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel, mà phần lớn đều cho rằng, đòn tấn công trả đũa của Iran sẽ do các lực lượng ủy nhiệm tiến hành, nhằm tránh nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ và Israel.
Tuy nhiên, vào đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14/4, cộng đồng quốc tế và cả khu vực Trung Đông đã rúng động khi Iran bất ngờ thực hiện đòn tấn công trả đũa bằng việc đồng loạt đánh vào vào hàng trăm mục tiêu trên lãnh thổ Israel bằng vài chục quả tên lửa đạn đạo và khoảng hơn 200 UAV các loại.
Cùng lúc đó, hàng trăm quả đạn pháo binh, rocket và UAV các loại cũng đã được các lực lượng thân Iran như Hezbollah ở Lebanon hay Houthi ở Yemen phóng vào phía bắc và phía nam lãnh thổ Israel, khiến còi báo động không kích vang lên ở khắp đất nước này.
Đây là cuộc tấn công đánh dấu lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào Israel, bất chấp lịch sử hàng thập kỷ thù địch giữa hai nước kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Tehran. Điều này cho thấy, lằn ranh đỏ trong sự kiềm chế của Iran đã bị vượt qua.
Ngay sau vụ tấn công, các đồng minh của Israel như Mỹ, Anh và một số nước NATO khác ngay lập tức đã lên án Iran và khẳng định sẽ sát cánh bên đồng minh, trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các nước có liên quan kiềm chế và không có các động thái làm leo thang xung đột.
Xem clip Iran tấn công Jerusalem, còi báo động vang lên khắp Israel |
Giới chuyên gia quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận xét, bình luận về khẳng năng leo thang xung đột ở Trung Đông, trong đó, đại bộ phận đều cho rằng, khả năng xảy ra chiến tranh Trung Đông là rất thấp bởi Tehran đã hết sức kiềm chế và có những động thái giảm thiểu thiệt hại cho Tel Aviv.
Đầu tiên, phải khẳng định là đối với cuộc tấn công vừa qua của Israel, Iran phải tấn công trả đũa để giữ thể diện cho mình.
Nếu Tehran không tung đòn đáp trả, họ sẽ không còn giữ được uy tín đối với các lực lượng ủy nhiệm của mình như Hezbollah của Lebanon và Houthi ở Yemen.
Hơn nữa, Tehran thể hiện cũng cần thể hiện cho Washington và Tel Aviv biết rằng, nước này dám tấn công và có đủ khả năng tấn công mọi địa điểm ở trên lãnh thổ Israel và khắp Trung Đông.
Tuy nhiên, Iran rõ ràng là không muốn xung đột quân sự toàn diện với Israel, vì điều đó rất có thể sẽ kéo theo sự tham dự của Mỹ.
Điều này thể hiện ở tuyên bố của Tehran là “cuộc tấn công tối 13/4 (giờ địa phương) dựa trên Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc liên quan đến phòng thủ hợp pháp và chỉ nhằm đáp trả hành động hung hăng của Israel. Cuộc tấn công “có thể được coi là đã kết thúc” nếu Israel không phản ứng".
Theo các chuyên gia, những hành động của Iran cũng cho thấy rõ thiện chí giảm thiểu thiệt hại cho Israel khi nước này đã chủ động tạo dư luận, thông báo trước về thời điểm diễn ra cuộc tấn công, để Mỹ và Israel đề cao cảnh giác, tập trung binh lực, chuẩn bị các hệ thống đánh chặn.
Thêm nữa, ngay sau khi phát lệnh tấn công trước bằng hàng loạt máy bay không người lái (UAV), giới lãnh đạo Iran lên truyền hình thông báo về vụ tấn công bằng loạt tên lửa đạn đạo tiếp theo.
Điều này có ý nghĩa gì ngoài việc Tehran đã chủ động phô trương về vụ tấn công, tránh gây ra thiệt hại quá lớn cho Israel, khiến cuộc tấn công trả đũa vì danh dự biến thành sự hận thù dân tộc và leo thang thành chiến tranh toàn diện?
Giả sử nếu Iran âm thầm lựa chọn tấn công vào thời điểm trước đó, khi Mỹ và Israel chưa kịp chuẩn bị, đồng thời sử dụng nhiều tên lửa đạn đạo hơn là UAV, liệu Tel Aviv có còn nguyên vẹn như hiện nay?
Ngược lại, về phía Tel Aviv, một số chuyên gia cho rằng, đòn đánh của Israel cũng vô bổ, thể hiện cái tôi của giới chính trị gia và tướng lĩnh nước này, bởi việc càng tiến hành nhiều cuộc tấn công như vậy khiến nước này càng vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa, dù họ có tiêu diệt được viên tướng này của Iran thì sẽ có viên tướng khác lên thay thế và giới chỉ huy của IRGC vẫn sẽ thực hiện những hành động thù địch với Israel, theo ý định của giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị ở Tehran.
Việc Tel Aviv mở những cuộc tấn công như vậy khiến Iran và các nhóm dân quân được nước này hậu thuẫn buộc phải tấn công đáp trả khiến người khổ chỉ là nhân dân Israel, khi họ hầu như không có ngày nào yên bình, nước này cũng không có môi trường an ninh thuận lợi để phát triển kinh tế.
Do đó, nhân cơ hội Iran cũng không muốn leo thang căng thẳng, Israel cũng có thể chấm dứt các hành động thù địch, để tránh sự việc một đòn đáp trả vì danh dự biến thành cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông.