Indonesia thiếu trường cho học sinh có nhu cầu đặc biệt

GD&TĐ - 2.300 trường học giáo dục đặc biệt được cho là không đáp ứng đủ nhu cầu cho khoảng 23 triệu người khuyết tật Indonesia.

Người khuyết tật được hướng dẫn làm thủ công tại một trung tâm giáo dục đặc biệt ở Indonesia.
Người khuyết tật được hướng dẫn làm thủ công tại một trung tâm giáo dục đặc biệt ở Indonesia.

Điều này đòi hỏi các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đến từ chính phủ.

Năm 2016, chị Reshma Wijaywa thành lập Trung tâm Saraswati, trường học dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Đây là cách chị tự giải quyết vấn đề khi không thể tìm kiếm một cơ sở giáo dục phù hợp cho con gái, Cheryl, mắc hội chứng Down.

“Tôi đã tìm kiếm trên Internet các trường học dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt hoặc các trung tâm trị liệu nhưng rất khó để tìm ra những cơ sở hay dịch vụ này cho con gái của tôi”, chị Reshma chia sẻ.

Trẻ em đăng ký vào Trung tâm Saraswati sẽ được chuyên gia đánh giá và chẩn đoán khuyết tật, từ đó có lộ trình học tập và chăm sóc phù hợp. Trung tâm kết hợp trị liệu và giáo dục cơ bản cho mọi học viên. Các em, bất kể dạng khuyết tật, đều được tiếp cận với các kỹ năng giáo dục và kỹ năng mềm cơ bản nhằm hướng tới phát triển toàn diện.

Trung tâm Saraswati được Bộ Giáo dục Indonesia công nhận là “Sekolah Luar Biasa”, trường giáo dục đặc biệt.

Hiện nay, Cheryl, 13 tuổi, theo học tại trung tâm cùng với khoảng 100 trẻ em và thanh thiếu niên có nhu cầu đặc biệt. Học viên có độ tuổi từ trẻ sơ sinh đến những người trên 18 tuổi.

Giáo viên tại trung tâm sử dụng các phương pháp giáo dục chuyên biệt như kỹ thuật TEACCH, phương pháp can thiệp sớm và giáo dục trẻ tự kỷ.

Trong khi đó, học viên tại các lớp lớn hơn sẽ tham gia các khóa đào tạo để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi ra trường. Trong đó, học viên được dạy cách mở tài khoản ngân hàng, làm đồ thủ công đơn giản để bán. Ví dụ, một chiếc vòng tay các em tự làm được bán với giá 4 USD (khoảng 94 nghìn đồng).

Saraswati đã giúp cuộc sống của trẻ em khuyết tật nói riêng và gia đình các em trở nên tốt đẹp hơn. Bà Reshma đánh giá việc trẻ em với những khuyết tật khác nhau học tập trong cùng một lớp góp phần hướng tới tư duy hòa nhập hơn.

“Một số phụ huynh không hoan nghênh ý tưởng cho trẻ mắc chứng Down học với trẻ tự kỷ vì theo họ trẻ mắc chứng Down sẽ bắt chước trẻ tự kỷ. Đó là một tư duy kỳ thị mà tôi mong muốn xoá bỏ và thay đổi bằng nhận thức rằng các em đều đang phát triển cùng nhau”, bà Reshma cho biết.

Hiện nay, khoảng 23 triệu người Indonesia được chẩn đoán là khuyết tật. Tuy nhiên, cả nước chỉ có khoảng 2.300 trường giáo dục đặc biệt. Các trường công lập được chính phủ yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục hoà nhập.

Nhiều trẻ em có nhu cầu đặc biệt vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục đặc biệt lẫn giáo dục hòa nhập. Còn các trường giáo dục đặc biệt phải đối mặt với thách thức như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất...

Nhằm hỗ trợ người khuyết tật, Chính phủ Indonesia mới đây đã thông qua một số quy định về người khuyết tật như hỗ trợ xã hội, thực hiện các quyền, khả năng tiếp cận các dịch vụ công và phòng chống thiên tai...

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tiến độ cải cách vẫn còn chậm và những thay đổi cần được tăng cường. Việc triển khai cũng phải tích cực hơn nhằm giúp người khuyết tật được giáo dục và hoà nhập.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...