Indonesia: Vì một nền giáo dục chất lượng hơn

GD&TĐ - Đến nay, 19 phần của chương trình Merdeka Learning đã được thực hiện.

Học sinh phổ thông Indonesia.
Học sinh phổ thông Indonesia.

Đây là chương trình chạm tới nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình chuyển đổi giáo dục, nhằm bảo đảm tất cả người dân Indonesia được tiếp cận nền giáo dục thích hợp, tự do và tự chủ. 

Thay đổi cách dạy và học

Chương trình Merdeka Learning (nhấn mạnh sự tự do, tự chủ trong học tập) lần đầu tiên được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia khởi xướng trong thời gian đại dịch Covid-19 để công chúng được hưởng lợi từ các chương trình và chính sách của chính phủ.

“Tất cả chúng ta đều có quyền được hưởng nền giáo dục chất lượng. Đó là mục tiêu của Merdeka Learning và hiện là phong trào chung của chúng tôi” – Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Nadiem Anwar Makarim - cho biết. Merdeka Learning được coi là bước đột phá đầu tiên và quan trọng nhất của ngành Giáo dục Indonesia vì nó song song với việc cải thiện chất lượng giáo dục, được đo lường bằng các đánh giá quốc gia.

Theo ông Nadiem, với bước đột phá này, việc học tập trong trường học hiện nay tập trung hơn vào những thứ thiết yếu, cụ thể là đọc viết, làm toán và các kỹ năng củng cố tính cách để chúng phù hợp hơn với thực tế. Chương trình giảng dạy Merdeka là một lựa chọn chứ không phải bắt buộc. Tuy nhiên, hy vọng các giáo viên xem xét chương trình này vì tiềm năng lợi ích của nó và vì sự phục hồi giáo dục của đất nước nói chung.

“Chính giáo viên là người hiểu rõ nhất nhu cầu và tiềm năng của học sinh. Do đó, chúng tôi trao cho họ sự linh hoạt hơn nhiều để phát triển việc học tập của học sinh bằng cách ưu tiên dạy học dựa trên dự án”, ông Nadiem nói.

Hiện, hệ thống giáo dục Indonesia không chú tâm về các kỳ thi để quyết định liệu một học sinh có được tốt nghiệp hay không. Điều này là do các kỳ thi đã được thay thế bằng hoạt động đánh giá quốc gia. Hoạt động này được áp dụng vào năm 2020 và đã có hơn 6,5 triệu học sinh và 3 triệu nhà giáo tham gia, tập trung vào sự phát triển và cải thiện kết quả học tập và môi trường học đường. Các kết quả đánh giá cũng có thể được tiếp cận dễ dàng thông qua học bạ trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Anwar Makarim.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Anwar Makarim.

Giáo viên có thu nhập tốt hơn

Ngoài việc đưa ra một nền tảng giúp giáo viên học tập, giảng dạy và làm việc, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ cũng ưu tiên lựa chọn nhân sự bằng các hợp đồng lao động để tạo điều kiện cho họ được hưởng phúc lợi nhiều hơn.

Ông Nadiem cho biết: “Hơn 300 nghìn giáo viên đã vượt qua được kỳ thi tuyển chọn và có thu nhập cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình này để bảo đảm họ được hưởng xứng đáng với những đóng góp của mình. Giáo viên cũng là người đi đầu trong việc xác định hướng đi và tương lai nền giáo dục Indonesia”.

Thay đổi chính sách cấp tài chính

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ cũng chuyển đổi chính sách cấp tài chính cho các trường học từ mầm non tới trung học mà trước đây bị cho là kém hiệu quả. Trước khi có chính sách mới, kinh phí được phân bổ đều cho mỗi học sinh trên cả nước, nhưng hiện nay, nó được điều chỉnh dựa trên khu vực. Với sự thay đổi này, nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa và khó khăn đã được nhận quỹ hỗ trợ hoạt động cao hơn gấp 2 lần.

Các quỹ hỗ trợ hoạt động giáo dục hiện nay được gửi trực tiếp đến các tài khoản của trường và nhà trường có thể sử dụng chúng để đáp ứng ngay nhu cầu của mình. Đây là nỗ lực của Bộ nhằm bảo đảm việc nâng cao chất lượng giáo dục diễn ra trên khắp Indonesia.

Học sinh Indonesia trong lớp học.
Học sinh Indonesia trong lớp học.

Thay đổi ở bậc đại học

Sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ được chuẩn bị và rèn luyện nhiều hơn để đối mặt với những thách thức trong tương lai. Hàng trăm nghìn sinh viên trên khắp cả nước cho biết, họ đã có được kinh nghiệm quý báu từ chương trình Tự do học tập – Khuôn viên miễn phí (Free to Learn, Free Campus - MBKM).

Ngoài ra, chương trình MBKM đã củng cố hệ sinh thái nghiên cứu tại các trường đại học để tiếp tục tạo ra những đổi mới hữu ích và dựa trên giải pháp. Đây là lý do tại sao Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ ra mắt nền tảng kết nối Kedaireka cho các trường đại học và ngành công nghiệp. Tại đây, các đề xuất dự án chung được lựa chọn sẽ được một hệ thống quỹ tài trợ.

Bộ cũng đã ban hành quy định về việc ngăn chặn và xử lý bạo lực tình dục trong giáo dục đại học nhằm bảo đảm an ninh cho tất cả sinh viên để học tập trong một môi trường an toàn và thoải mái.

“Đây là một bước đi lớn và táo bạo mà chúng tôi thực hiện để bảo vệ mọi người trong khuôn viên trường học trước bạo lực tình dục bằng cách ưu tiên quyền lợi của nạn nhân. Chắc chắn với chương trình Tự do học tập – Khuôn viên miễn phí, sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ trở thành thế hệ tiếp theo với những phẩm chất học tập suốt đời, những người sẵn sàng dẫn dắt sự tiến bộ của Indonesia trong tương lai”, ông Nadiem lạc quan nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nadiem, những đột phá mà ngành Giáo dục đưa ra sẽ chỉ có tác động tích cực nếu tất cả mọi người cùng tiến lên hướng về một mục đích, đó là một nền giáo dục chất lượng cho tất cả người dân Indonesia.

Chương trình Merdeka Learning muốn khuyến khích con người chủ động làm việc mà không cần được ra lệnh và học sinh học không chỉ để thi cử. Đây được xem là nền tảng xây dựng nguồn nhân lực ưu việt cho Indonesia. 
Theo The Jakarta Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.