Năm ngoái, 2 đảng Hồi giáo là Liên minh Phát triển (PPP) và Công lý thịnh vượng (PKS) đề xuất dự luật cấm sản xuất, phân phối và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn từ 1%-55%. Tuy nhiên, dự luật bị “treo” ở Hạ viện đến giờ do không nhận được sự nhất trí hoàn toàn của các nghị sĩ và bị các bên bị ảnh hưởng phản ứng.
Ngành du lịch Indonesia lo ngại tác động tiêu cực nếu dự luật cấm rượu bia được thông qua Ảnh: ALAMY
Phe ủng hộ cho rằng cấm rượu bia sẽ giảm bớt những vấn đề sức khỏe và tệ nạn xã hội. “Nhiều người Indonesia có suy nghĩ: Sau khi nhìn thấy hậu quả do bia rượu gây ra với giới trẻ ở phương Tây, chúng tôi không muốn điều đó xảy ra ở Indonesia và chúng tôi muốn cấm rượu bia” - ông Ross Taylor, Chủ tịch Viện Indonesia có trụ sở tại Úc, nói với trang news.com.au. Vụ 14 thanh niên say xỉn hãm hiếp, sát hại một nữ sinh 14 tuổi ở TP Bengkulu thuộc đảo Sumatra hồi tháng 4 càng thúc đẩy làn sóng ủng hộ thông qua dự luật trên.
Việc thông qua dự luật chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào đảo Bali bởi đây là địa điểm thu hút nhiều du khách và chè chén là thú vui không thể thiếu. Trả lời tờ The Jakarta Post, ông Hariyadi Sukamdani, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng - Khách sạn Indonesia (PHRI), lo ngại: “Nếu dự luật được thông qua, hoạt động kinh doanh của chúng tôi coi như chấm hết. Du khách nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Âu, uống đồ có cồn mọi lúc”. Theo ông Hariyadi, cho dù Indonesia có đẹp đến đâu, du khách cũng không muốn ghé thăm nếu không được nhâm nhi rượu bia.
Một số người còn lập luận rằng lệnh cấm rượu bia có thể phản tác dụng bởi nó làm gia tăng tình trạng kinh doanh, tiêu thụ rượu bia lậu. Sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm bán bia và hầu hết thức uống có cồn tại tất cả cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc vào năm ngoái, doanh số rượu lậu đã tăng 58%. “Thay vì cấm rượu hoàn toàn, chính phủ Indonesia nên kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán loại rượu chưng cất trái phép, vốn là nguyên nhân khiến một số du khách và người dân địa phương thiệt mạng thời gian qua” - người phát ngôn Hiệp hội Đại lý lữ hành Anh quốc (ABTA) gợi ý.