Huy động nguồn lực hỗ trợ dạy và học trực tuyến

GD&TĐ - Sau khai giảng năm học mới, 25 tỉnh thành trên cả nước đã triển khai dạy học trực tuyến. Ghi nhận khó khăn, nỗ lực của thầy và trò, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có những hành động thiết thực nhằm cải thiện tình hình.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Giảm áp lực cho giáo viên dạy học trực tuyến

Trải qua thời gian triển khai dạy học trực tuyến tại nhiều tỉnh thành, ghi nhận những khó khăn, áp lực đối với đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Một số giải pháp đã và đang được Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm hỗ trợ giáo viên thực hiện dạy học trực tuyến. Trong đó có việc hỗ trợ nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô.

Nhìn thấy những khó khăn và cả những nỗ lực của các thầy cô trong công tác dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục theo hướng tinh giản; Chính phủ đã phát động ủng hộ “Sóng và máy tính cho em”.

“Trong bộ tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến dành cho giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng tháo gỡ áp lực cho giáo viên bằng cách có một phụ lục để hướng dẫn chi tiết một số kĩ năng sử dụng CNTT trong dạy học trực tuyến; như: Lựa chọn và sử dụng phần mềm để chuẩn bị dữ liệu dạy học; Lựa chọn và sử dụng nền tảng tương tác và lưu trữ nội dung dạy học, kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh; Lựa chọn và sử dụng công cụ hỗ trợ đánh giá thường xuyên bằng tự luận và trắc nghiệm; Thu thập và xử lí kết quả đánh giá quá trình; Lựa chọn và sử dụng phần mềm thiết kế đa phương tiện; Tìm kiếm và khai thác thông tin tư liệu phục vụ dạy học…” -  Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.

Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng kho học liệu điện tử, các video bài giảng, xây dựng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô. Hiện nay, tài liệu này đã được gửi tới các Sở GD&ĐT để chuyển cho các nhà trường.

Riêng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến dành cho giáo viên, ngoài phần hướng dẫn bằng chữ, tài liệu còn có video hướng dẫn thầy cô cách thiết kế kế hoạch bài dạy; trong đó có những nhiệm vụ học tập giao cho học sinh một cách rõ ràng, mạch lạc và có những hoạt động học thầy cô được ghi video bài dạy trước để giao cho học sinh học.

Hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho các thầy cô đang được Bộ GD&ĐT đang tổ chức. Đến 30/9 sẽ hoàn thành tập huấn cho giáo viên các tỉnh thành. Sau đó, những thầy cô nòng cốt, cốt cán này sẽ để tiếp tục chia sẻ với các thầy cô khác ở địa phương.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Ba kênh truyền hình quốc gia phát sóng bài giảng

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bài giảng truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2.

Đối với lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình hiện được thực hiện với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.

Khung giờ phát sóng bài giảng lớp 1, lớp 2 trên các kênh truyền hình quốc gia như sau:

Kênh VTV1: Từ 10h00 - 10h30 thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.

Kênh VTV2: Từ  9h15 - 9h45 và từ 14h30 - 15h00 thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.

Kênh VTV7: Từ 14h00 - 16h30 thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, phát sóng bài giảng Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2.

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, việc phát sóng qua truyền hình đã được thực hiện trên 3 kênh truyền hình quốc gia là VTV1, VTV2, VTV7. Các kênh truyền hình tỉnh/thành phố thực hiện tiếp sóng hoặc phát lại các chương trình này trong các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình địa phương.

Ngoài lớp 1, lớp 2, kênh VTV7 và một số kênh truyền hình địa phương hiện còn  phát sóng bài giảng các môn lớp 6, lớp 10, lớp 12.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Triển khai 3 đợt tập huấn dạy học trực tuyến trong tháng 9

3 đợt tập huấn dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong tháng 9 do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhằm hỗ trợ giáo viên vượt qua khó khăn trong việc dạy học trực tuyến ứng phó với tình thế học sinh không thể đến trường.

Trong 3 đợt ở cấp tiểu học, đợt 1 diễn ra trong 2 ngày (23 và 24/9), tập huấn cho 22 Sở GD&ĐT khu vực miền núi phía Bắc, một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và Hà Nội. 

Với hình thức tập huấn trực tuyến, mỗi Sở GD&ĐT có đại diện phòng giáo dục tiểu học trực thuộc sở, 2 đại diện phòng GD&ĐT cấp huyện, 15 giáo viên (gồm giáo viên giảng dạy các môn toán, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý, giáo viên dạy môn chuyên biệt, giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học).

Nội dung tập huấn sẽ trao đổi, hướng dẫn một số kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin khi tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình, ứng dụng với từng môn học và hoạt động giáo dục. Trước đó, những người tham dự sẽ được tiếp cận trước với tài liệu dạy học trực tuyến và qua truyền hình, các video clip hướng dẫn tổ chức dạy học theo hình thức này.

Hai đợt tập huấn tiếp theo sẽ tổ chức vào ngày 27 và 28/9 (cho 22 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc còn lại); ngày 29 và 30-9 (cho 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam).

Kinh phí tổ chức các đợt tập huấn này lấy từ ngân sách nhà nước cấp năm 2021. Kinh phí đi lại, ăn nghỉ của người tham gia do các đơn vị cử người đi lo chi trả theo quy định.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai tập huấn dạy học trực tuyến và qua truyền hình cho cán bộ quản lý và giáo viên cấp trung học.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT: Tính đến ngày 20/9, có 25 tỉnh, thành cho học sinh đến trường học trực tiếp; 14 tỉnh kết hợp dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình và trực tiếp một phần; 24 tỉnh, thành vẫn tổ chức dạy trực tuyến và qua truyền hình hoàn toàn do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Trong số 25 tỉnh đã cho học sinh học trực tiếp, mới đây tỉnh Hà Nam lại vừa quyết định cho học sinh chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và qua truyền hình, do địa bàn tỉnh phát sinh ca mắc Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ