Dạy và học trực tuyến ở trường phổ thông: Cần nỗ lực của thầy, ý thức của trò

GD&TĐ - Học trực tuyến là phương pháp học đã áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ...

Dạy và học trực tuyến ở trường phổ thông: Cần nỗ lực của thầy, ý thức của trò
Tại Mỹ, hàng triệu học sinh đăng ký học E-learning và tại nhiều bang ở quốc gia này, trước khi được công nhận tốt nghiệp, mỗi học sinh phải đăng ký học một số môn nhất định tại các lớp học trực tuyến. Còn tại Hàn Quốc, phương thức học này giúp giảm tải chi phí học tập, qua đó góp phần bình đẳng trong giáo dục.
Bên cạnh đó, kênh truyền hình học đường được mở ra cùng với website cung cấp các bài giảng ôn thi đại học miễn phí, thu hút một số lượng rất lớn học sinh tham gia. Trong thời đại 4.0,  học trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội: tiết kiệm thời gian, nội dung hình ảnh trực quan sinh động, mang tính tương tác cao… 
Tại Việt Nam, đợt dich Covid -19 lần thứ ba bùng phát trong thời điểm người dân đang đón Tết cổ truyền, nhiều tỉnh thành phải lùi lịch học sau kỳ nghỉ Tết. Rồi đây, nếu dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp thì việc dạy và học trực tuyến trong nhà trường là việc tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt khi dạy và học trực tuyến, không chỉ là sự nổ lực của thầy và trò mà cần phải có sự quan tâm của toàn xã hội. 
Nhân dịp đầu năm mới, TS Nguyễn Thị Thúy Hồng - giảng viên bộ môn Toán, Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội cùng chia sẻ về vấn đề dạy và học trực tuyến trong trường phổ thông hiện nay.
PV: Cùng với xu hướng phát triển chung trên thế giới, ứng dụng công nghệ vào dạy học qua môi trường mạng Internet đã được triển khai nhiều năm qua trên thế giới và ở nước ta. Tuy vậy, ở khối phổ thông, mức độ ứng dụng nhìn chung còn khá hạn chế, tùy thuộc vào từng trường, từng bộ môn và từng giáo viên. Bà có nhận xét gì về việc dạy học trực tuyên hiện nay ở trường phổ thông?
TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng: Khi dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp, không thể học tập trực tiếp ở trường thì hình thức dạy học trực tuyến trở thành giải pháp hữu hiệu để duy trì việc dạy học của các nhà trường. Việc triển khai đồng loạt trên diện rộng như vừa qua đã cho thấy hàng loạt vấn đề, hàng loạt khó khăn vướng mắc đặt ra cần phải được giải quyết, cần phải được "dọn đường" để cho phương thức học tập tiên tiến này phát triển.
TS Nguyễn Thị Thúy Hồng - giảng viên bộ môn Toán, Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội.
 TS Nguyễn Thị Thúy Hồng - giảng viên bộ môn Toán, Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội.
Tuy vậy, đây cũng là kinh nghiệm, cơ hội để xã hội quan tâm hơn, nhìn nhận rõ hơn đến dạy học trực tuyến, từ đó có giải pháp phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu thúc đẩy hình thức dạy học này, hội nhập với xu hướng chung của quốc tế.
Tùy thuộc vào nhận thức, quan niệm, góc nhìn của mỗi người, có nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ "học trực tuyến" trong mối liên hệ với các thuật ngữ gần như học tập điện tử, elearning, học qua mạng.
Theo tôi, dạy học trực tuyến không hoàn toàn như việc sao chép nguyên trạng một lớp học trực tiếp lên môi trường mạng Internet, thảo luận trực tuyến giữa giáo viên và học sinh chỉ là một hoạt động của học trực tuyến. Học tập trực tuyến thường gắn liền với các nền tảng công nghệ chuyên nghiệp, được phát triển với mục đích chuyên biệt dành riêng cho học trực tuyến.
Thực tế hiện tại ở nước ta, để phục vụ mục đích học tập phần lớn giáo viên đang sử dụng phối hợp nhiều giải pháp công nghệ khác nhau trên môi trường mạng. Đó có thể là các giải pháp hỗ trợ dạy học trực tuyến cơ bản (như G-Suit for Education, Office 365 Education), công nghệ họp trực tuyến (như zoom, Microsoft teams, hangout meet), các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, hay đơn giản chỉ là giao bài và chữa bài tập qua thư điện tử (các giải pháp này không dành chuyên cho mục đích dạy học).
Việc phối hợp các công cụ khác nhau với các mức độ khác nhau như vậy để dạy - học qua mạng nên khó có thể gọi tên một cách thật chính xác thuật ngữ học trực tuyến hiện nay, có thể tạm chia học trực tuyến ở nước ta thành 2 nhóm chủ yếu gồm nhóm giải pháp dạy học trực tuyến đồng thời theo thời gian thực và nhóm giải pháp dạy học trực tuyến không đồng thời.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng học trực tuyến ở trường phổ thông như vừa qua kém hiệu quả, bà có bình luận gì về nhận xét này?
TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng: Bên cạnh những ý kiến cho rằng học trực tuyến hiệu quả vì người học tập trung học, không bị chi phối bởi người ngồi bên cạnh và việc học trực tuyến giúp nâng cao kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin, rèn tính chủ động trong việc học… thì nhiều ý kiến cho rằng việc học trực tuyến có hiệu quả thấp hơn so với học truyền thống.
Theo tôi nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của việc học tập trực tuyến chưa cao là do kỹ thuật sử dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên chưa tốt, thiết kế bài dạy chưa phù hợp với việc học trực tuyến, người dạy chưa điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với hình thức trực tuyến, chỉ chú trọng đưa bài giảng lên hệ thống và chưa có nhiều tương tác với người học cũng như giao bài tập tự học nhiều, môn nào cũng có bài kiểm tra hoặc thu hoạch theo tuần….
Bên cạnh đó một số học sinh chưa tự giác khi học tập, học trực tuyến nhưng mạng yếu, bị "văng" khỏi hệ thống khi học hoặc không nghe rõ bài giảng, người học dùng điện thoại nên thao tác bị hạn chế, nhìn slide và xem video không rõ, không mở được file bài tập có dung lượng lớn; chưa quen học nhóm trực tuyến, môi trường học tập xung quanh nhiều khi ồn ào hoặc bị các yếu tố bên ngoài tác động… Nhưng nguyên nhân trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả khi học tập trực tuyến.
PV:  có thể cho biết một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc học trực tuyến ở trường phổ thông hiện nay?
TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng: Theo tôi trước tiên là nhận thức về vai trò, vị trí của học tập trực tuyến trong hoạt động dạy học phải thông suốt trong toàn ngành cũng như sự đồng bộ của các địa phương và các trường cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông, đường truyền, trang thiết bị đầu cuối, môi trường học tập đảm bảo về ánh sáng, tiếng ồn từ cả phía giáo viên và học sinh, cũng như bản thân giải pháp phần mềm rõ ràng là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến việc học qua mạng.
Để một bài dạy được hiệu quả, ngoài việc chuẩn bị tốt nội dung kiến thức cho bài học thì giáo viên phải có kỹ năng sử dụng trang thiết bị CNTT, sử dụng phần mềm dạy học. Kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản của cả giáo viên và học sinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sự liên tục của bài học.
Bên cạnh đó, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên khi giảng bài trong điều kiện học từ xa cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Ngoài ra, khi học trực tuyến người học phải tự giác cao khi học tập, với các em nhỏ thì cần thêm sự hỗ trợ của người lớn về CNTT để các em có buổi học liền mạch và đầy đủ.
Các yếu tố khác như nội quy lớp học trực tuyến, những quy tắc ứng xử trên mạng như giữ gìn trật tự lớp học, xin phép ra vào lớp, phát biểu ý kiến, kiến nghị đề xuất, ngôn ngữ giao tiếp mạng … có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả học tập.
Pv: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ