Hướng trò học điều hay từ hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp học sinh trau dồi kỹ năng, mà còn gắn kết tình bạn, hướng các em đến những điều tích cực.

Chương trình “Tết sum vầy” trao quà cho HS có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh, Thanh Hóa).
Chương trình “Tết sum vầy” trao quà cho HS có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh, Thanh Hóa).

Trau dồi kỹ năng

Năm học 2022-2023, Trường THCS Yên Thọ, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) có tổng số 15 lớp, với gần 600 học sinh (HS). Song song với nhiệm vụ giáo dục văn hóa, Ban giám hiệu nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo đạo đức, lối sống cho học trò. Từ đó, giúp HS có thể phát triển một cách toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ.

Theo thầy Phạm Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng cho HS được trường tổ chức thường xuyên theo chủ đề. Ngoài ra, đầu năm học, nhà trường cho HS ký cam kết nhằm tránh xa bạo lực học đường, tệ nạn xã hội. Đồng thời, phối kết hợp với phụ huynh trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như sử dụng mạng xã hội một cách an toàn ở thời đại công nghệ 4.0.

“Thuận lợi nhất của nhà trường trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường,... là luôn được giáo viên, HS hưởng ứng và chấp hành tốt”, thầy Tuấn nói.

Phụ trách các hoạt động, phong trào của nhà trường, thầy Trương Công Giáo - Bí thư chi Đoàn cho biết, hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng cho HS được Trường THCS Yên Thọ duy trì tổ chức theo hình thức dưới Cờ, trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Tiêu biểu như cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Trường THCS Yên Thọ tổ chức theo hình thức rung chuông vàng. Thông qua cuộc thi nhằm giáo dục cho HS học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

“Vào các dịp lễ, nhà trường còn tổ chức cuộc thi nấu ăn hoặc thi cắm hoa giữa các lớp nhằm tạo sân chơi giúp các em giải tỏa căng thẳng. Đồng thời, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng cũng như sự khéo léo của đôi bàn tay,...”, thầy Giáo chia sẻ.

Theo thầy Giáo, với HS có thành tích học tập xuất sắc, nhà trường cũng tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại địa phương. “Đây vừa là sự khích lệ nhưng cũng là dịp để các em hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương mình”, thầy Giáo nói.

Học sinh Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh, Thanh Hóa) tham gia vệ sinh, giữ gìn môi trường học tập xanh - sạch - đẹp.

Học sinh Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh, Thanh Hóa) tham gia vệ sinh, giữ gìn môi trường học tập xanh - sạch - đẹp.

Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến Xuân về, Trường THCS Yên Thọ còn tổ chức chương trình “Tết sum vầy” nhằm khích lệ HS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Cùng với đó là xây dựng mô hình “Tết xưa” ngay tại trường để HS hiểu hơn về nét đẹp của Tết cổ truyền dân tộc.

“Nhà trường xây dựng theo không gian Tết xưa với những hình ảnh rất đặc trưng như thầy đồ, câu đối, bánh chưng xanh,... Qua đó, giúp HS có trải nghiệm phong phú về phong tục, tập quán của người Việt”, thầy Giáo chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Trường THCS Yên Thọ, hiện nhà trường cũng đang lên kế hoạch cho chương trình “Tết sum vầy” và tổ chức gói bánh chưng tại trường dịp Tết Nguyên đán 2023.

Học sinh hào hứng

Hoạt động giáo dục kỹ năng, nâng cao nhận thức về pháp luật, phòng chống bạo lực học đường,... cũng được Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chú trọng.

Ngay trong năm học này, nhà trường đã phối kết hợp với công an địa phương tổ chức tuyên truyền dưới Cờ cho HS về pháp luật, an toàn giao thông,... Qua đó, giúp HS nâng cao nhận thức và trau dồi kỹ năng bảo vệ bản thân.

Ngoài hình thức này, ngôi trường vùng biển xứ Thanh còn phối kết hợp với trung tâm giáo dục kỹ năng sống tổ chức hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục,...

Chương trình văn nghệ hướng về cội nguồn, tự hào dân tộc của Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Chương trình văn nghệ hướng về cội nguồn, tự hào dân tộc của Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Cho HS tham gia vào hoạt động trải nghiệm cũng là hình thức giáo dục đạo đức, lối sống mà Trường THCS Hoằng Phụ áp dụng. Bên cạnh tổ chức cho HS có thành tích tốt tham quan các địa chỉ đỏ, nhà truyền thống, nhà trường còn khuyến khích HS tham gia sân chơi tri thức, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao.

Tiêu biểu như Lễ hội Bút nghiên do UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức hàng năm. Theo thầy Thuật, đây là dịp để HS nhà trường có cơ hội giao lưu về tri thức, văn hóa với các trường bạn. Đồng thời, mở mang vốn hiểu biết của mình về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đặc biệt là truyền thống hiếu học của người dân Hoằng Hóa.

Em Lê Thị Quỳnh Như (lớp 9A, Trường THCS Yên Thọ) chia sẻ: “Các hoạt động mà nhà trường từng tổ chức giúp tập thể lớp trở nên đoàn kết, các thành viên trong lớp hiểu nhau hơn, trau dồi thêm kỹ năng bổ ích cho cuộc sống.

Em từng tham gia cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. "Cuộc thi đã giúp em hiểu hơn về cuộc đời của Bác cũng như lịch sử Việt Nam, từ đó biết trân trọng những gì mình đang có”, Quỳnh Như chia sẻ.

“Hoạt động ngoại khóa không chỉ giúp HS nâng cao hiểu biết về nguyên nhân, hậu của của tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội,... mà còn được tham gia vào các tình huống. Từ đó giúp các em trau dồi thêm kỹ năng, biết cách bảo vệ bản thân khi đối mặt với các tình huống nguy cấp”, thầy Trương Văn Thuật, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.