Thay lời muốn nói
Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” do Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam phát động, nhằm phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương nhà giáo điển hình mẫu mực, có sức ảnh hưởng tích cực đến học sinh, sinh viên.
Tại Thanh Hóa, cuộc thi do Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa phối hợp với Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2022. Sau 6 tháng phát động, cuộc thi đã tạo nên sức lan tỏa rộng khắp trong các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, với gần 1.000 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm được thể hiện dưới hình thức video, độ dài từ 3-5 phút.
Sau vòng sơ khảo, 120 tác phẩm xuất sắc đã được lựa chọn gửi về Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa tham dự vào chung khảo. Trong số các tác phẩm dự thi ở vòng này có 35 tác phẩm thuộc khu vực miền núi; 40 tác phẩm đến từ khu vực đồng bằng, trung du và 45 tác phẩm thuộc các huyện, thị xã, đồng bằng ven biển.
Theo đánh giá của ban tổ chức, nhiều tác phẩm dự thi có chiều sâu cả về nội dung và cách thể hiện. Hình ảnh trong tác phẩm rõ nét, chân thực và sống động. Thậm chí, nhiều tác phẩm còn có sự tham vấn của đội ngũ nhà giáo nên mang tới sự hài hòa cả về nội dung, bối cảnh, hình ảnh,...
Cô Đỗ Thị Hải Hiền (áo xanh) cùng em Hoàng Diệp Chi (lớp 8A, Trường THCS thị trấn Hà Trung). Tác phẩm ‘Người mẹ hiền thứ 2” của cô trò đã xuất sắc giành giải Nhất. |
Sau khi thẩm định, ban tổ chức đã quyết định trao 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Trong đó, 5 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cao nhất thuộc về các nhà Trường THPT Quảng Xương 1 (Quảng Xương), THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa), THCS thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân), THCS Yên Thọ (Như Thanh) và Trường THCS thị trấn Hà Trung (Hà Trung).
Năm nay, huyện Hà Trung là một trong những đơn vị giành được nhiều giải cao tại cuộc thi, với 5 giải. Trong đó, 1 giải Nhất, 2 Nhì, 1 Ba và 1 Khuyến khích. Tại Trường THCS thị trấn Hà Trung, không khí vui tươi tràn ngập các lớp học. Tất cả thầy cô và học sinh nhà trường đều phấn khởi khi tác phẩm “Người mẹ hiền thứ 2” của em Hoàng Diệp Chi (lớp 8A) xuất sắc đoạt giải cao nhất cuộc thi.
Cảm xúc lâng lâng, Diệp Chi hồ hởi chia sẻ: “Cuộc thi rất ý nghĩa vì đã giúp chúng em có cơ hội được bộc bạch những suy nghĩ của mình về thầy cô. Kể từ khi triển khai cuộc thi, em đã nghĩ ngay tới người cô kính mến của mình - cô Đỗ Thị Hải Hiền. Với em, cô như người mẹ hiền thứ 2 đã luôn ở bên động viên, sẻ chia giúp em vượt qua những áp lực mình gặp phải trong cuộc sống.
Em thực sự rất cảm động vì điều đó. Đặc biệt, những cảm xúc khi em viết về cô đều xuất phát từ tấm lòng mình - chân thật và cũng đầy thiêng liêng”.
Trường THCS Yên Dương (Hà Trung), ngôi trường giành giải Nhì với tác phẩm “Người thắp sáng những ước mơ phượng vĩ”. Đây là tác phẩm của nhóm tác giả Lê Hồng Minh (lớp 7B2), Phùng Thị Ngọc Hiền và Đinh Bảo Minh (lớp 9B) viết về cô giáo Nguyễn Thị Dung, giảng dạy môn Tiếng Anh.
Cô Nguyễn Thị Dung (áo đỏ) cùng học sinh Trường THCS Yên Dương (Hà Trung, Thanh Hóa). |
Thầy Tống Đức Như - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” rất ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng khắp trong ngành giáo dục. Thông qua cuộc thi, những tấm gương điển hình của ngành có cơ hội được thắp sáng lên. Từ đó, phụ huynh và xã hội cũng nhìn thấy những cống hiến, hy sinh của các thầy cô giáo đối với học trò và bậc học.
“Nhà trường còn nhiều tấm gương thầy cô nhiệt huyết như cô Dung. Tuy nhiên, với thành quả đạt được từ cuộc thi đã lan tỏa rộng khắp tới các thầy cô giáo trong trường. Từ đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác giảng dạy và thắp sáng những ước mơ, định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em học sinh”, thầy Như nói.
Tận tâm hơn với nghề
Theo cô Nguyễn Thị Dung, giảng dạy môn Tiếng Anh - Trường THCS Yên Dương, cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” đã tạo ra sân chơi bổ ích để học sinh có cơ hội được thể hiện tình cảm với thầy cô của mình.
“Tôi hy vọng, cuộc thi sẽ được tiếp tục tổ chức ở những năm sau để học trò được bộc bạch tình cảm tới thầy cô của mình. Qua đó giúp nhân rộng những tấm gương điển hình của ngành, mang lại sức lan tỏa rộng khắp trong các nhà trường và toàn xã hội”, cô Dung chia sẻ.
Nữ giáo viên Trường THCS Yên Dương cũng cho rằng, cuộc thi cũng tạo động lực để đội ngũ nhà giáo tâm huyết hơn với nghề, nỗ lực phấn đấu để đào tạo ra những thế hệ học trò thành công cả về tri thức lẫn nhân cách.
“Theo tôi, sống nghĩa là cống hiến. Vì vậy, người thầy ngoài truyền dạy kiến thức còn có vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai nghề nghiệp cho các em. Đặc biệt là gieo vào các em tinh thần nhân đạo, bởi có thể giảm bớt phần nào khó khăn cho học sinh nghèo là một việc làm rất ý nghĩa”, cô Dung bộc bạch.
Cô Phạm Thị Giang - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa). |
Đồng quan điểm, cô Phạm Thị Giang, giảng dạy môn Ngữ văn - Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) cũng cho rằng, nhờ cuộc thi mà tình cảm cô - trò ngày càng thêm gắn kết.
Nữ giáo viên là nhân vật trong tác phẩm “Người gieo cảm xúc” đoạt giải Nhất của học sinh Trịnh Lê Minh Châu và Lê Thị Bảo Ngọc (lớp 7B, Trường THCS Cù Chính Lan).
Theo cô Giang, trong gần 20 năm gắn bó với nghề “cầm phấn trắng”, nữ giáo viên từng được học trò thể hiện tình cảm thông qua những lời nói mộc mạc, dễ thương. Tuy nhiên, đây là lần đầu các em thể hiện tình cảm dưới ngôn từ và hình ảnh. Điều này khiến cô Giang vô cùng xúc động.
“Tôi không quá bất ngờ mỗi khi có học trò viết về mình, bởi hàng ngày các em vẫn thể hiện tình yêu thông qua lời nói. Tuy nhiên, với tôi đây là món quà tinh thần vô giá, là niềm hạnh phúc của người dạy học, giúp bản thân các thầy cô nỗ lực và tận tụy hơn với nghề”, cô Giang chia sẻ.
Cô giáo Hà Thị Tấm - Trường THCS Phú Lệ (Quan Hóa, Thanh Hóa) cũng bày tỏ niềm vui, sự tự hào khi tác phẩm “Cô và niềm tin” của tập thể lớp 9A xuất sắc giành giải Ba chung cuộc.
Cảm xúc lâng lâng sau khi vượt quãng đường hàng trăm km tới lễ trao giải, nữ giáo viên bày tỏ: “Cô và trò rất xúc động khi tác phẩm dự thi đã đoạt giải Ba. Đây là niềm vui cũng là động lực để chúng tôi nỗ lực và tận tâm hơn nữa với nghề chèo đò thầm lặng này”.
“Ngay sau khi phát động cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022, các nhà trường, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã triển khai rộng khắp, với gần 1.000 tác phẩm dự thi tại vòng sơ khảo. Có thể nói, cuộc thi đã góp phần lan tỏa những tấm gương nhà giáo tiêu biểu. Đây cũng chính là mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, mà Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã và đang hướng tới”, ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa.