Hướng nghiệp từ tiểu học: Trân quý sức lao động, tôn trọng mọi ngành nghề

GD&TĐ - Thông qua các hoạt động trải nghiệm, đậm nét nhất là nội dung giáo dục địa phương, tích hợp trong các môn học, học sinh tiểu học được gieo sự trân quý sức lao động và mọi ngành nghề trong xã hội.

Học sinh khối tiểu học thuộc Trường Tiểu học – THCS Đức Trí trải nghiệm thu hoạch lúa.
Học sinh khối tiểu học thuộc Trường Tiểu học – THCS Đức Trí trải nghiệm thu hoạch lúa.

Trải nghiệm để hướng nghiệp

Học sinh Tiểu học của Hệ thống giáo dục Sky – Line (Đà Nẵng) đã có trải nghiệm khó quên trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Công dân nhỏ được tổ chức hàng năm. Nhiều em lần đầu tiên được đan lưới, tỉ mẩn luồn từng sợi dây cước để vá lưới. Những mắt lưới trông còn vụng về nhưng chứa đựng trong đó nhiều niềm vui của sự cố gắng mày mò.

Vừa cặm cụi đan lưới, các em còn được nghe câu chuyện về những chuyến ra khơi đánh bắt cá của người dân làng chài Thọ Quang, có hiểm nguy, bất trắc nhưng vẫn đong đầy niềm vui khi sớm mai thuyền về đầy ắp cá. Những ngư dân ăn sóng nói gió nhưng vô cùng cần cù, đôn hậu đã truyền cho các em tình yêu biển cả bao la cũng như bài học về sự đoàn kết, mưu trí, kiên trì. Họ vừa đánh bắt cá nhưng cũng đồng thời vừa làm “cột mốc” biên giới trên biển.

Cứ khoảng 2 tháng/lần, Trường Tiểu học – THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức cho học sinh học tập thực tế tại một trang trại ở ngoại ô thành phố. Tùy theo khối lớp, các nhóm học sinh được phân công một số nhiệm vụ như: Phân tích điều kiện về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu để tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp; phân loại rễ cây, cấu trúc lá, cách sắp xếp lá trên cây; học cách làm đất tơi xốp, cách bón phân, xếp luống, gieo hạt…

Có em lần đầu tiên được chứng kiến quá trình chú gà con tự mổ vỏ chui ra không ngớt ồ à thú vị. Những công việc của một trang trại sẽ dần được học sinh tiếp xúc qua từng năm học, để các em có thể hình dung quy trình trồng rau sạch, biết được vai trò của một số loài động vật có lợi cho nông nghiệp như giun đất…

Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nếu nhìn qua trông giống như các em đang tham gia một hoạt động dã ngoại nhưng thực tế là mỗi học sinh đều phải quan sát, tìm kiếm thông tin để phục vụ cho bài tập thu hoạch nhóm của mình. Những bài học môn Tự nhiên – Xã hội trở nên sinh động và dễ nhớ đối với các cô cậu học trò vốn chưa bao giờ được nghịch đất trồng cây.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) so sánh: Khác với bậc trung học, với tiểu học, công tác hướng nghiệp chủ yếu được tích hợp, lồng ghép qua các môn học như Tự nhiên – Xã hội, đạo đức, Tiếng Việt… và hoạt động trải nghiệm. Trong đó, chủ yếu giới thiệu cho các em một số ngành nghề cơ bản trong xã hội, góp phần hình thành hứng thú nghề nghiệp cũng như ý thức tôn trọng người lao động thuộc các thành phần khác nhau.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) trong giờ học thực tế chăm sóc cây trồng tại vườn trường.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) trong giờ học thực tế chăm sóc cây trồng tại vườn trường.

Thú vị và gần gũi

Với chủ đề làng nghề truyền thống, học sinh lớp 1 tỉnh Khánh Hòa sẽ đồng thời tìm hiểu một số ngành nghề thủ công của địa phương thông qua các sản phẩm truyền thống như: Gùi, cần xé, chiếu cói, nón lá, gốm, đúc đồng. Lên lớp 2 sẽ được tìm hiểu sản phẩm yến sào Khánh Hòa cùng những nét cơ bản của nghề khai thác, chế biến yến.

Hết cấp tiểu học, học sinh thành phố Đà Nẵng sẽ nắm được các làng nghề truyền thống của thành phố như nước mắm Nam Ô, đá mỹ nghệ Non nước, chiếu Cẩm Nê, làng nghề bánh tráng Túy Loan… Các em sẽ trình bày nguyên liệu chính và quy trình để tạo ra sản phẩm, giới thiệu được sản phẩm của làng nghề với người thân và khách du lịch. Đây là nền tảng để lên THCS, học sinh được cung cấp thêm thông tin căn bản về nhu cầu lao động của các làng nghề. Đây là bước khởi đầu, đặt nền móng cho công tác hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, hiện các trường học gặp một số khó khăn trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt kể: “Nhà trường rất muốn cho học sinh trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô. Tuy nhiên, qua khảo sát, không gian của từng hộ gia đình làm nghề ở đây không đủ để học sinh của từng khối trải nghiệm thực tế. Xe du lịch cỡ lớn cũng không thể di chuyển vào làng được. Vì vậy, với nội dung này, nhà trường chủ yếu giới thiệu cho các em thông qua trình chiếu video”. Chưa kể, sự tương tác, thái độ của người dân của các làng nghề với học sinh cũng còn nhiều hạn chế.

Có một hướng khác mà các trường tiểu học đang kiên trì theo đuổi trong hoạt động hướng nghiệp sớm là hướng dẫn trò tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Học sinh bán trú tự thu dọn dụng cụ ăn trưa của mình, vệ sinh lớp học… chăm sóc các góc xanh trong lớp học, dọc hành lang…

Cô Nguyễn Quỳnh Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) thông tin: “Từ đầu năm học đến nay, nhà trường chủ trương tổ chức các hoạt động trải nghiệm để học sinh có thể thực hiện trong không gian gia đình. Các em tự mình làm công việc phù hợp với độ tuổi như nhặt rau, lau chùi nhà cửa, tưới cây, chăm sóc vật nuôi, sắp xếp, trang trí góc học tập…”.

Để định hướng tốt hơn cho học sinh, theo chia sẻ của cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, khi dạy tới những nội dung có liên quan đến nghề nghiệp, nhất là chương trình Tự nhiên – Xã hội lớp 2, giáo viên có thể mở rộng thêm để tăng tính tương tác cũng như hấp dẫn cho bài học. Ví dụ hỏi học sinh xem ba mẹ các em làm công việc gì, từ đó giới thiệu ngắn gọn tính chất của một số nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.