Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học - thực hiện ra sao?

GD&TĐ - Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT, học sinh (HS) tiểu học sẽ được hướng nghiệp, giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học.

Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai vệ sinh trường lớp học. Ảnh: TG
Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai vệ sinh trường lớp học. Ảnh: TG

Nhiều ý kiến ủng hộ việc triển khai hướng nghiệp cho HS tiểu học tuy nhiên cần có hướng dẫn cụ thể để giáo viên (GV) hiểu và dễ dàng triển khai trong hoạt động giáo dục. 

Tăng cường nhận biết nghề nghiệp 

Theo dự thảo Thông tư, ở cấp tiểu học, nhà trường, GV có nhiệm vụ giáo dục HS nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.

Cùng đó, hướng dẫn HS tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Rèn luyện, bồi dưỡng cho HS các kỹ năng cơ bản (quản lý bản thân; xã hội; Tìm hiểu về gia đình, cộng đồng). Phát hiện năng khiếu của HS và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển.

Hình thức triển khai hướng nghiệp ở cấp tiểu học được dự thảo Thông tư chỉ ra có thể tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT cấp tiểu học. Hoặc tổ chức cho HS tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp

Đánh giá cao dự thảo và khẳng định cần thiết việc hướng nghiệp cho HS tiểu học, cô Vũ Trinh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho rằng: Trẻ từ bậc mầm non bắt đầu có những ước mơ về nghề nghiệp. Đến tiểu học việc định hướng nghề nghiệp có trong một số môn học và GV dạy tích hợp lồng ghép. Giáo dục hướng nghiệp ở tiểu học khá đơn giản không có gì quá “đao to búa lớn”, vì vậy đưa hướng nghiệp vào dạy HS tiểu học hoàn toàn cần thiết và phù hợp với thực tế. 

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) cũng cho biết: Ở nhiều nước trên thế giới, hướng nghiệp được đưa vào từ bậc mầm non qua các trò chơi như: Trẻ làm lính cứu hỏa, thợ xây, tập nấu ăn, đầu bếp, bác sĩ… Điều đó giúp các em có nhận thức, hiểu biết các ngành nghề trong cuộc sống một cách tự nhiên nhưng hiệu quả. Tại Việt Nam, hoạt động hướng nghiệp ở bậc tiểu học càng giúp HS hiểu thêm đặc điểm mỗi ngành nghề, ý thức nghề nghiệp nào cũng đáng quý và trân trọng.

TS Vũ Việt Anh cũng bày tỏ: Trong chương trình GDPT hiện hành, ở bậc tiểu học nội dung liên quan đến nghề nghiệp chưa nhiều. Mặt khác, GV cũng chịu áp lực về bảo đảm kiến thức, kiểm tra đánh giá… nên thiếu sự đầu tư chú trọng lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào dạy học. Do đó, nếu Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục mới được ban hành, các trường tiểu học sẽ có định hướng cụ thể hơn, GV có cơ hội để chia sẻ với HS về nghề nghiệp nhiều hơn qua hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trải nghiệm.

GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định: Hướng nghiệp từ bậc tiểu học không sớm. Điều đó sẽ giúp HS có thêm hiểu biết, tư duy nghề nghiệp và khi lớn lên các em có nền tảng kiến thức, thông tin từ đó để đưa ra sự lựa chọn phù hợp. 

Tuy nhiên, GS Đinh Quang Báo thẳng thắn nhận định: Đặt ra việc hướng nghiệp trong trường học nhất định phải giúp GV hiểu rõ ràng, đầy đủ về yêu cầu, mục đích… của hướng nghiệp. “GV là người triển khai công tác hướng nghiệp trong các hoạt động giáo dục, tích hợp vào các môn học. Vì vậy, để GV làm tốt, có hiệu quả không cách nào khác là đưa ra hướng dẫn cụ thể về mức độ yêu cầu, phương pháp, cách thức triển khai… hướng nghiệp”, GS Đinh Quang Báo nêu quan điểm. 

Hoạt động trải nghiệm của HS Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu – Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: TG
Hoạt động trải nghiệm của HS Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu – Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: TG

Hướng nghiệp nhẹ nhàng, hiệu quả

Theo quan điểm của GS Đinh Quang Báo: Hướng nghiệp ở bậc tiểu học chưa nên đi theo những chủ đề bài học lớn và riêng như ở bậc THCS và THPT mà chỉ cần tích hợp trong các môn học, và hoạt động giáo dục trải nghiệm...

Cô Vũ Trinh Hương cũng cho rằng: GV có thể hướng nghiệp từ dạy học tích hợp các môn học, hoạt động trải nghiệm… với những thông tin, định hướng đơn giản, dễ hiểu. Không nên đưa hoạt động hướng nghiệp HS tiểu học thành bài dạy hay môn học cụ thể riêng biệt. Ví như, khi học Toán, GV có thể hướng nghiệp cho HS qua cách tính toán; Giảng dạy môn Đạo đức có thể đề cập tự nhiên đến hình ảnh cô lao công, chú công an, bộ đội, bác sĩ, kế toán… Như vậy, HS không chỉ hứng thú học tập, mà còn có thêm ấn tượng, hiểu biết về những ngành nghề. Hoặc trong các hoạt động văn nghệ của lớp, trường có thể tổ chức cho HS đóng kịch, hóa thân vào nghề kĩ sư, giáo viên, phi công, ca sĩ, nhà báo…

“Nếu được thầy cô giảng dạy một cách tự nhiên, thường xuyên và bản thân được trải nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau, HS sẽ sớm có nhận thức cơ bản, đầu tiên về công việc ngành nghề…”, cô Hương chia sẻ. 

Mặt khác, cô Vũ Trinh Hương cũng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ GV trong công tác hướng nghiệp: “GV cần linh hoạt, hiểu biết sâu sắc nhiệm vụ của mình. Nếu không có sự am hiểu với những kiến thức cần thiết, thiếu sự hướng dẫn rõ ràng, công tác hướng nghiệp cho HS sẽ trở nên căng thẳng”.

TS Vũ Việt Anh khẳng định: Một bộ phận GV có phần lo lắng về công tác hướng nghiệp cho HS bậc tiểu học bởi bản thân chưa nắm hết yêu cầu, định hướng, cách thức triển khai, chưa cập nhật kiến thức cần thiết. Khi dạy nội dung liên quan nghề nghiệp, GV nên chia sẻ, tương tác bằng những câu hỏi, trả lời với HS để các em hiểu và ngấm sâu kiến thức. Ví dụ như chỉ cần hỏi đơn giản: Bố mẹ em làm công việc gì? Công việc đó có thời gian, đặc điểm làm việc ra sao? Cảm nhận của HS có hứng thú với công việc của bố mẹ không? Mong ước nghề nghiệp của em ra sao?... Trên cơ sở trao đổi của HS, GV lắng nghe và đưa ra những giải thích, điều chỉnh, bình luận… giúp HS hiểu đầy đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.