Hướng nghiệp từ tiểu học: Các nước dạy trẻ như thế nào?

GD&TĐ - Học sinh tiểu học tại Singapore, Đức được dạy các khái niệm cơ bản về nghề nghiệp, giá trị và tôn trọng nghề nghiệp. Trong khi hướng nghiệp là chương trình dành cho học sinh trung học tại Canada, Anh và mang tính trải nghiệm thực tế nhiều hơn.

Học sinh Đức tìm hiểu về khái niệm nghề nghiệp. Ảnh: IT
Học sinh Đức tìm hiểu về khái niệm nghề nghiệp. Ảnh: IT

Hiểu về nghề nghiệp

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra cuối năm, học sinh lớp 5 tại Trường Tiểu học Nghee Ann, Singapore, tập trung tại hội trường lớn tham gia buổi trò chuyện về nghề nghiệp. Được tổ chức hằng năm, chương trình nhằm thúc đẩy nhận thức của trẻ em về lĩnh vực việc làm khác nhau.

Trường Tiểu học Nghee Ann mời các chuyên gia trong một số lĩnh vực như hàng không, sư phạm, y tế... đến chia sẻ với học sinh về tính chất công việc, kinh nghiệm cũng như hành trình xây dựng sự nghiệp của họ. Không chỉ Nghee Ann, nhiều trường tiểu học tại Singapore cũng tổ chức hoạt động hướng nghiệp tương tự dành cho học sinh lớp 5 để dần hình thành tư duy về nghề nghiệp.

Buổi trò chuyện nằm trong chương trình giáo dục nghề nghiệp được quản lý bởi Hệ thống Giáo dục và Nghề nghiệp Singapore (Education and Career Guidance – ECG). Với học sinh phổ thông, ECG trang bị những kiến thức, kỹ năng và giá trị cần thiết để người học quản lý lộ trình học tập và chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.

Đơn cử, ở bậc tiểu học, học sinh lớp 3, lớp 4 được học về tôn trọng nghề nghiệp, khái niệm công việc. Học sinh lớp 5, lớp 6 tìm hiểu về tính chất và giá trị của các công việc, ngành nghề; tìm hiểu trường trung học phù hợp với định hướng...

Nhằm giúp học sinh tiểu học hình dung rõ ràng hơn về các công việc, ECG xây dựng trang web myskillfuture.gov.sg mô phỏng thế giới việc làm qua mô hình 3D, biểu đồ, hình động... Phụ huynh có thể dựa trên hướng dẫn này để thảo luận với con cái về nghề nghiệp tại nhà. Bên cạnh đó, mỗi trường học đều có cố vấn nghề nghiệp là nhân viên tư vấn cho học sinh trong việc chọn ngành, trường.

Học sinh từ cấp 2 trở lên được tiếp xúc với các ngành nghề nhiều hơn. Bên cạnh các môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Khoa học Xã hội, Ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Trung, Ấn Độ hoặc Malaysia), học sinh có thể chọn các môn tuỳ theo định hướng nghề nghiệp.

Trong năm học, các em đến thăm công ty, doanh nghiệp để tìm hiểu về môi trường và cách thức tổ chức, vận hành. Để tổ chức hoạt động ngoại khoá này, nhà trường phối hợp với tổ chức việc làm địa phương lên kế hoạch hàng năm.

Tương tự Singapore, giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh là sự chuẩn bị của toàn xã hội Đức. Các cơ quan việc làm (Agenturen für Arbeit) địa phương cùng nhà trường xây dựng chương trình hướng nghiệp theo hai hình thức là trò chuyện tập thể hoặc tư vấn một kèm một. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức ngoại khóa tại công ty. Ngoài ra, cơ quan việc làm có thể tìm kiếm các vị trí thực tập, tình nguyện viên tại doanh nghiệp địa phương cho học sinh từ 9, 10 tuổi.

Hầu hết kinh phí tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp do Bộ Giáo dục, doanh nghiệp hoặc cơ quan chính quyền đầu tư. Ngoài ra, nguồn vốn còn được hỗ trợ từ Quỹ xã hội châu Âu. Năm 2019, Đức đã chi gần 60 triệu euro cho các chương trình hướng nghiệp.

Từ bậc THCS, học sinh đi sâu tìm hiểu nghề nghiệp cụ thể. Nếu đăng ký vào trường Mittelschule, học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề. Chọn trường Realschule, sau khi tốt nghiệp lớp 10, học sinh có thể đăng ký học nghề. Nhờ được chuẩn bị từ sớm, trẻ có định hướng phát triển phù hợp trong đó, đại học không phải con đường duy nhất.

Một ngày làm nhân viên cứu hỏa của học sinh Singapore. Ảnh: IT

Một ngày làm nhân viên cứu hỏa của học sinh Singapore. Ảnh: IT

Đưa môn học đến gần cuộc sống

Tại Canada, học sinh bắt đầu được định hướng nghề nghiệp từ lớp 10. Bên cạnh các môn như Toán, Tiếng Anh, Khoa học Xã hội, Giáo dục Thể chất... học sinh có thể đăng ký các môn tự chọn dựa trên định hướng nghề nghiệp, năng khiếu, sở thích như kinh doanh, mỹ thuật, các kỹ năng ứng dụng (Applied Skills)...

Ở quốc gia này, mỗi địa phương sẽ xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp khác nhau, tuỳ thuộc theo điều kiện kinh tế, giáo dục. Ví dụ, tại tỉnh Ontario, môn Nghiên cứu Nghề nghiệp được đưa vào chương trình phổ thông bắt buộc từ năm lớp 10. Còn tỉnh Manitoba xây dựng 4 khóa học giáo dục nghề nghiệp không bắt buộc từ lớp 9 đến 12.

Một số nơi khác yêu cầu học sinh trước khi tốt nghiệp cần tham gia làm từ thiện, tình nguyện tại trường hoặc các trung tâm xã hội trong một số giờ tối thiểu. Đơn cử, làm tình nguyện viên tại trung tâm dưỡng lão, cô nhi viện hay làm văn thư trong văn phòng trường. Những công việc này không chỉ giúp học sinh trải nghiệm thực tế mà còn được tìm hiểu về một số nghề nghiệp cụ thể.

Tại Anh, Bộ Giáo dục yêu cầu các trường phổ thông phải hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 13, tương đương 12 - 18 tuổi. Bên cạnh các chương trình hội chợ việc làm, tư vấn nghề nghiệp, Bộ Giáo dục khuyến khích giáo viên lồng ghép hướng nghiệp vào bài học.

Ví dụ, Học viện Bourne, thành phố Bournemouth, dạy học sinh cách viết thư tín thương mại trong môn Tiếng Anh lớp 10, 11. Trường Trung học Friern Barnet, London, tận dụng mạng lưới cựu học sinh để kết nối với các nhà tuyển dụng và xây dựng chương trình trải nghiệm việc làm cho học sinh trong một tuần.

Hầu hết phụ huynh Anh tôn trọng và ủng hộ định hướng nghề nghiệp của con vì từ khi học phổ thông, họ đã khuyến khích trẻ tìm hiểu về ngành nghề, tham gia các hoạt động xã hội. Trước khi con chọn trường, ngành, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập và trẻ có thể cùng nhau thảo luận để tìm ra phương hướng tốt nhất.

Ông Tristram Hooley, Giám đốc Công ty tư vấn nghề nghiệp Career & Enterprise, Anh, cho biết: “Giáo viên bộ môn cần tìm cách đưa hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy để mang môn học đến gần hơn với cuộc sống, tạo kết nối giữa học tập và nhu cầu của học sinh. Tại Anh, chúng tôi muốn tất cả học sinh phổ thông đều có kinh nghiệm làm việc”.

Là quốc gia chú trọng giáo dục nghề nghiệp, từ tiểu học, học sinh Đức được dạy rằng “nghề nghiệp nào cũng quan trọng và được tôn trọng như nhau”. Trên lớp, học sinh được thảo luận về tính bình đẳng và tôn trọng các nghề, tìm hiểu và phân biệt loại hình công việc... Nhìn chung, ở độ tuổi này, giáo viên sẽ giúp các em nâng cao nhận thức về ngành nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ