Hướng nghiệp giải bài toán thừa thầy thiếu thợ

GD&TĐ - Hiện nay, công tác tham vấn hướng nghiệp được trường học các cấp quan tâm, chú trọng.

Cô Vũ Thị Thu Thủy, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa tham vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NTCC
Cô Vũ Thị Thu Thủy, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa tham vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NTCC

Triển khai tốt hướng nghiệp sớm sẽ góp phần mang lại những giá trị hữu ích cho người học và xã hội.

Tham vấn hướng nghiệp sớm

Tại Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Ninh Bình), hoạt động tham vấn hướng nghiệp được nhà trường lồng ghép trong các môn học Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội, Tiếng Anh hay chủ đề ngoại khóa. Cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Qua hoạt động này, thầy cô có thể giới thiệu các nghề: Bác sĩ, bộ đội, giáo viên… để học sinh xây dựng khái niệm, hình thành sở thích và trân trọng tất cả nghề nghiệp”.

Ở Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP Hà Nội), cùng với lồng ghép vào môn học, nhà trường còn tổ chức hội thảo định hướng và tư vấn nghề nghiệp với sự tham gia của chuyên gia, học sinh, phụ huynh… giúp gia đình hiểu rõ hơn những thay đổi năng lực của học sinh gen Z và nhóm ngành nghề xu hướng của 5 năm tới.

Cô Vũ Thị Thu Thủy, giáo viên môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Kĩ năng sống, cho biết: “Trong môn Kĩ năng sống, học sinh được tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng tới việc chọn nghề, thế giới nghề nghiệp. Giáo viên bộ môn đồng thời tư vấn, giải đáp thắc mắc cho học sinh về nghề, dự kiến lựa chọn; giúp các em có cái nhìn tổng quan nhất với nghề nghiệp”.

Nhiều năm qua, Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) chú trọng tham vấn tâm lý hướng nghiệp cho học sinh. Thầy Đặng Hữu Cảnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trường đã thành lập ban hướng nghiệp, trong đó mời cựu học sinh thành đạt, doanh nhân và phối hợp với các trường đại học để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, trường tổ chức nhiều buổi ngoại khóa định hướng nghề nghiệp, tư vấn bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp”.

Thầy Cảnh khẳng định đây là cơ hội để học sinh hiểu rõ thêm về ngành nghề sẽ lựa chọn, theo học sau khi tốt nghiệp THPT, qua đó nắm được hình thức đào tạo, dự báo cơ hội việc làm sau này. Các buổi tham vấn hướng nghiệp dành cho học sinh 3 khối, phụ huynh. Điều này giúp học sinh từ lớp 10 đã được tiếp cận sâu, hiểu rõ hơn nghề nghiệp, xác định mục tiêu phấn đấu và xây dựng kế hoạch, lộ trình học tập từng giai đoạn. Được trang bị tốt nền tảng, các em sẽ giảm áp lực khi lựa chọn ngành nghề, tập trung học tập để đạt mục tiêu.

Theo ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn), từ cấp tiểu học, các trường đã lồng ghép hoạt động tham vấn hướng nghiệp vào một số môn học. Đối với cấp THCS, tổ chức tham vấn đa dạng trên lớp, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm tại các cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh. Riêng học sinh lớp 9, Phòng Giáo dục yêu cầu các trường thực hiện tối thiểu trung bình 3 tiết tham vấn hướng nghiệp/tháng. Qua đó, nhà trường nắm bắt nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS để làm tốt công tác phân luồng.

Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (Điện Biên) thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông thông qua các môn học và hoạt động giáo dục nhà trường. Ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo - trao đổi: “Phòng chỉ đạo các trường học trên địa bàn đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp lứa tuổi học sinh. Cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học, các trình độ giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp tìm kiếm việc làm, xu hướng và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động”.

Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo còn yêu cầu các trường phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện, Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng Kinh tế tỉnh Điện Biên tổ chức tuyên truyền, tư vấn, phân tích xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để học sinh xây dựng kế hoạch và có hướng đi cho bản thân. Mặt khác, các đơn vị phải làm rõ sự cần thiết phân luồng giúp học sinh tự đánh giá khả năng học tập, xem xét hoàn cảnh gia đình, nhu cầu thị trường lao động; cung cấp rộng rãi thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thị trường việc làm đến học sinh…

Lớp học điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN

Lớp học điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN

Giải “bài toán” thừa thầy thiếu thợ

Hiện nay, nhiều học sinh cuối cấp còn mông lung về kế hoạch học tập cũng như định hướng chọn trường, chọn nghề trong tương lai cho bản thân. Vì vậy, nhiều em lựa chọn ngành nghề theo cảm tính, quá trình học không hứng thú, bỏ giữa chừng.

Với kinh nghiệm công tác nhiều năm, cô Đỗ Thị Mỹ mong muốn sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình. Từ đó, hai bên cùng nhau xây dựng, phát triển những thế mạnh mà học sinh có, giúp các em sau này lựa chọn được ngành nghề phù hợp năng lực, đam mê.

Nam sinh Đỗ Trọng Phước Nguyên - lớp 12, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) - cho biết: “Với học sinh phổ thông, việc được hướng nghiệp sớm là cơ hội để cho chúng em xác định, lên kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân đồng thời, giảm áp lực cho năm học cuối cấp vừa phải học ôn vừa nghiên cứu chọn nghề. Do đó, nếu các trường chủ động hướng nghiệp sớm, học sinh sẽ xác định được năng lực và định hướng rõ kế hoạch, mục tiêu đặt ra. Bản thân em nếu được định hướng sớm sẽ phát triển tốt hơn năng lực, tố chất vốn có”.

PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - nhìn nhận: “Hướng nghiệp cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của mọi nền giáo dục trên thế giới. Ở Việt Nam, công tác này ngày càng được chú trọng và có nhiều đổi mới, trong đó phải nói đến việc thực hiện rộng rãi công tác tham vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh”.

Theo PGS Hương Lan, tham vấn hướng nghiệp sớm ở cấp tiểu học, học sinh sẽ được làm quen với các nghề nghiệp thông qua các hoạt động vừa học, vừa chơi, tham quan tìm hiểu thực tiễn… từ đó hiểu hơn về nghề, giá trị và ý nghĩa của nghề nghiệp đối với xã hội, biết trân trọng người lao động. Còn tham vấn cấp THCS giúp học sinh định hình rõ hơn mong muốn, nguyện vọng chọn nghề trên cơ sở khám phá thế mạnh, sở trường; tránh tình trạng chạy theo trào lưu xã hội.

“Tham vấn hướng nghiệp sớm mang lại những giá trị to lớn đối với kinh tế - xã hội như giúp tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lực, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Công tác này còn góp phần cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động với sức ép cạnh tranh lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay”. - PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ