Hướng nghiệp để học sinh hiểu và có hướng đi đúng

GD&TĐ - Nhiều năm qua, định hướng nghề cho học sinh miền núi gắn với hoạt động kinh tế địa phương đang được nhiều trường thực hiện và mang lại hiệu quả cao.

Trường THCS Phương Đông tổ chức buổi hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.
Trường THCS Phương Đông tổ chức buổi hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Giáo viên xuống tận nhà định hướng nghề nghiệp

Huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) là một trong những huyện miền núi của tỉnh. Nơi đây điều kiện địa lý và kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác. Chính vì thế, để định hướng nghề nghiệp cho học sinh nơi đây cũng mang đặc thù riêng.

Theo cô giáo Phạm Thị Bích Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My), 3 năm qua, trong trường cũng có một số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, không những vậy, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh là cả một vấn đề đòi hỏi nhiều kỹ năng.

“Đối với việc hướng nghiệp, trường thực hiện theo chương trình đã được tập huấn của trước đó của Sở GD&ĐT cũng như căn cứ theo tài liệu để giảng dạy giáo dục cho học sinh”, cô Thu chia sẻ.

Cô Thu cũng cho biết, trước hết là phân luồng học sinh, bám vào hoàn cảnh, nguyện vọng và năng lực, sở thích của các em. “Các em sau khi tốt nghiệp THCS thì thi tuyển vào lớp 10. Nếu đỗ vào lớp 10 thì sẽ tiếp tục học bậc THPT, một số em thi rớt thì có thể theo hướng giáo dục thường xuyên hoặc nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc hướng học sinh có học lực trung bình, yếu kém theo định hướng cho các em đi theo học nghề vẫn còn là dấu hỏi lớn. Bởi các em sẽ có tư tưởng bỏ học, ở nhà lao động tự do”, cô Thu chia sẻ.

Để thay đổi nhận thức này, nhiều năm qua, trường liên kết với các trường nghề và chính quyền xã đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động các em học sinh về việc định hướng nghề nghiệp và đã có những chuyển biến tích cực.

Đại diện Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng trao đổi, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, với sự có mặt của phụ huynh học sinh, nhằm nắm bắt kịp thời thông tin hướng nghiệp cho con mình.

Đại diện Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng trao đổi, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, với sự có mặt của phụ huynh học sinh, nhằm nắm bắt kịp thời thông tin hướng nghiệp cho con mình.

Còn cô Trần Thị Xuân Thịnh – Hiệu trưởng Trường THCS Phương Đông (xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My) cho rằng, việc lựa chọn đúng nghề luôn là bài toán khó không chỉ đối với mỗi học sinh, gia đình mà cả nhà trường. Đặc biệt là đối với các trường học ở vùng khó khăn, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

“2 năm qua, trường gặp một số khó khăn nhất định trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9. Để thuận lợi trong việc hướng nghiệp, trường đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề với học sinh, tại đây trường đã khảo sát thăm dò ý kiến học sinh. Để từ đó nắm rõ định hướng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh và trao đổi với phụ huynh để tìm hướng đi tốt cho các em sau này”, cô Thịnh cho biết.

Cô Thịnh cho hay, công tác tư vấn, hướng nghiệp không chỉ nhằm giúp các em lựa chọn được ngành nghề học phù hợp với khả năng, sở thích bản thân, mà còn phải phù hợp với khả năng tài chính của phụ huynh. Nhờ làm tốt công tác này mà nhiều học sinh cũng như phụ huynh đã thay đổi tư duy, lựa chọn con đường học nghề phù hợp với bản thân cũng như nhu cầu xã hội.

Buổi tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 của Trường THCS Phương Đông.

Buổi tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 của Trường THCS Phương Đông.

“Thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề có mời các phụ huynh, mời các trường dạy nghề và các cơ quan liên quan để đến tư vấn, tìm những điều tốt nhất cho các em”, cô Thịnh nhấn mạnh.

Tạo niềm tin với phụ huynh và học sinh qua hướng nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho hay, những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp luôn được ưu tiên, quan tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường nghề còn thấp, nhất là các địa phương ở vùng thấp của huyện. Do tâm lý của học sinh và gia đình chưa tự tin, an tâm khi tham gia học nghề xa nhà ở độ tuổi thiếu niên.

“Một số học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, lao động phổ thông nhằm giúp đỡ gia đình mà không tham gia vào các trường dạy nghề. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vướng mắc trong độ tuổi và lao động; chưa có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở sản xuất tại địa phương để thu hút lao động, giải quyết việc làm. Cũng có một số khó khăn về độ tuổi là khi các em học xong lớp 9 và trung cấp nghề hay cao đẳng thì chưa đủ tuổi để các công ty hợp đồng lao động theo quy định”, ông Tú thông tin.

Ông Tú cho biết thêm, để khắc phục tình trạng trên, nhà trường mời những học sinh hỏng tuyển sinh vào lớp 10 đã tham gia học nghề có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập ở trên địa bàn để tư vấn. “Cạnh đó, các trường tổ chức họp phụ huynh học sinh có sự tham gia của Phòng Lao động thương binh - xã hội để Phòng tin về chế độ chính sách về đào tạo nghề, những ngành nghề trên địa phương cần, để phụ huynh nắm bắt. Ngoài ra, mời các trường nghề về để tư vấn và cam kết đầu ra cho học sinh khi học nghề”, ông Tú cho hay.

Đồng thời, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được chỉ đạo hàng năm trong nhiệm vụ năm học, qua các hội nghị chỉ đạo chuyên môn và triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục tại địa phương.

Đại diện Ban giám hiệu Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng và lãnh đạo xã trong buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh học sinh.

Đại diện Ban giám hiệu Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng và lãnh đạo xã trong buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh học sinh.

Vị đại diện ngành giáo dục huyện Bắc Trà My cho rằng, công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường THCS thực hiện theo hướng dẫn hiện hành. “Các trường có học sinh cấp THCS xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến cha mẹ và học sinh về định hướng nghề nghiệp, thông tin về cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để học sinh có dự kiến chọn nghề phù hợp với điều kiện bản thân sau khi tốt nghiệp THCS nếu không vào THPT”, ông Tú nhấn mạnh.

Ngoài ra, tăng cường nhận thức cho phụ huynh học sinh biết việc phân luồng đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề tuyên truyền về ngành nghề, cho học sinh và phụ huynh học sinh tham quan các trường nghề để phụ huynh học sinh an tâm về chỗ ăn nghỉ điều kiện học tập...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ