Mục tiêu phát triển đội ngũ làm nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp
Mục tiêu của việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, tư vấn viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lí trường phổ thông có năng lực làm công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Bên cạnh đó là am hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực.
Phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm về giáo dục hướng nghiệp để thực hiện công tác định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.
Thu hút một đội ngũ cộng tác viên tư vấn nghề nghiệp với những thành phần phù hợp tham gia vào các hoạt động giáo dục hướng nghiệp của các trường phổ thông. Trong đó quan tâm đến những thành viên đến từ các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan quản lý hành chính,… đóng trên địa bàn.
Để thực hiện được việc này, cần đổi mới từ khâu đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí, giáo viên đến các cơ quan quản lí giáo dục, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đồng thời chú trọng thực hiện quan điểm chuẩn hóa và xã hội hóa trong phát triển đội ngũ làm công tác hướng nghiệp.
Đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Chuyên gia nhận định, hệ thống cơ chế, chính sách của nhà nước về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học ở nước ta được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến nay, mặc dù nước ta đã chuyển sang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, GDĐT đã có rất nhiều đổi mới nhưng các cơ chế chính sách về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học vẫn chưa có những điều chỉnh, thay đổi nào đáng kể.
Cần sớm quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI ) vào việc đổi mới các cơ chế, chính sách của nhà nước về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT ở nước ta phù hợp với giai đoạn mới.
Tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị là những yếu tố quan trọng, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đạt kết quả. Cần từng bước tiến tới các trường phổ thông có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị để tổ chức các hình thức giáo dục hướng nghiệp. Đồng thời, có những cơ chế, chính sách thích hợp để thu hút người dạy, người học.
Xuất phát từ tình hình thực tế tài chính cho giáo dục nói chung còn nhiều khó khăn, để tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục hướng nghiệp cần phải tổng hợp thế mạnh của nhiều nguồn lực. Đó là ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, quỹ học phí, các chương trình mục tiêu và các nguồn tài trợ. Để làm tốt việc này, cần phát huy nội lực, thực hiện xã hội hóa giáo dục để từng bước xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Tăng cường hiệu quả thực hiện chức năng quản lí giáo dục hướng nghiệp
Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT cho học sinh phổ thông là một hoạt động đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng xã hội. Chính vì vậy, việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục phổ thông trong việc thực hiện các chức năng quản lí giáo dục để tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động.
Tổ chức, quản lí hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT một cách khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện giáo dục là một giải pháp quan trọng.
Việc tăng cường hiệu quả thực hiện các chức năng quản lí giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT của đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục phổ thông. Tận dụng tối đa các điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của các nhà trường, địa phương và cộng đồng sẽ không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp theo định hướng phát triển nhân lực của địa phương.
Để tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp đạt hiệu quả, cán bộ quản lí các nhà trường cần phải có sự chủ động, sáng tạo, vận dụng để thực hiện các chức năng quản lí một cách khoa học.
Các nội dung thực hiện bao gồm thực hiện đúng các khâu của công tác quản lí hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Khai thác tốt các nguồn thông tin phục vụ công tác quản lí, đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, kết hợp hài hòa các điều kiện, các hoạt động ở trong và ngoài nhà trường để phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Do tính đặc thù của hoạt động giáo dục hướng nghiệp là liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan và lực lượng xã hội nên việc tăng cường xã hội hoá hoạt động giáo dục hướng nghiệp là giải pháp tốt nhất . Mục đích nhằm vừa huy động nhiều nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp, vừa giúp giải quyết những khó khăn trước mắt về tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.