Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp

GD&TĐ - Nội dung giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông sẽ tác động đến quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của học sinh.

Cần đổi mới phương pháp hướng nghiệp cho học sinh.
Cần đổi mới phương pháp hướng nghiệp cho học sinh.

Cụ thể hoá mục tiêu giáo dục hướng nghiệp

Chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học là cụ thể hoá mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông theo yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, đất trong giai đoạn mới và điều kiện giáo dục hướng nghiệp ở các nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.

Lựa chọn chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp phù hợp với đặc thù chương trình giáo dục phổ thông mới và khả năng nhận thức của học sinh là rất quan trọng và cần thiết. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận với các kiến thức về nghề nghiệp một cách đầy đủ, từ đó, có sự đối chiếu, lựa chọn nghề phù hợp.

Nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông thích hợp và khoa học sẽ có tác động tích cực đến quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của học sinh và việc cung cấp nhân lực tại chỗ của địa phương.

Chuyên gia cho rằng, đổi mới chương trình giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ,… để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả về năng lực và phẩm chất.

Đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng ngành nghề, tăng hoạt động thực hành, trải nghiệm và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tích cực chuẩn bị năng lực ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của học sinh đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai.

Cần cụ thể hóa các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của giáo dục hướng nghiệp phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh để từ đó quán triệt vào các môn học, hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo theo tinh thần mới của chương trình giáo dục phổ thông là tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên, định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai.

Chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp cần được thực hiện theo hướng mở, đa dạng hóa, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, năng lực người dạy và người học, đặc điểm và nhu cầu địa phương, phù hợp với các phương thức giáo dục hướng nghiệp.

Vận dụng sáng tạo các phương pháp

Trong việc đổi mới xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015, phải bảo đảm cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS.

Sau khi hoàn thành chương trình THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục hướng nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh phổ thông. Đồng thời, khắc phục lối giáo dục máy móc, đơn điệu, sáo mòn.

Tập trung giáo dục thông qua hoạt động trải nghiệm, tự trải nghiệm sáng tạo để học sinh tự nhận thức và tự trang bị tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực; tự khám phá thế giới nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tự hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu về năng lực và phẩm chất của người lao động ở lĩnh vực học sinh sẽ lựa chọn.

Đồng thời, đa dạng hóa các phương pháp và hình thức giáo dục hướng nghiệp; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và THPT.

Giáo dục hướng nghiệp và góp phần phân luồng học sinh sau THCS và THPT là một hoạt động quan trọng trong các trường phổ thông. Các cơ sở giáo dục phổ thông có điều kiện hết sức khác nhau. Đặc điểm đối tượng học sinh phổ thông ở các vùng miền, địa phương cũng khác nhau, đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức thức giáo dục để có thể tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT một cách khả thi và hiệu quả.

Các hoạt động đổi mới được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau phù hợp với đối tượng và điều kiện tác động. Trên cơ sở đó, biến nhận thức thành các hành động cụ thể để các nhà giáo dục tổ chức lồng ghép hoặc triển khai trực tiếp các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong từng hoạt động.

Về phía học sinh, việc tuyên truyền về ý nghĩa của việc chuẩn bị cho cuộc sống lao động sẽ giúp các em có được nhận thức đúng đắn và tham gia nghiêm túc vào các hoạt động giáo dục hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ