Hướng đi mới giúp người dân Mường Tè thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất sang trồng quế, nhiều hộ dân vùng cao Mường Tè, Lai Châu đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Cơ sở chế biến tinh dầu quế tại huyện Mường Tè.
Cơ sở chế biến tinh dầu quế tại huyện Mường Tè.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Bản Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè là một trong những bản tiên phong của xã trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trong đó, cây quế được người dân tập trung phát triển và tạo ra một tương lai mới cho bà con người La Hủ nơi đây.

Sau 6 năm triển khai trồng và phát triển cây quế phủ xanh đất trống, đồi trọc và bước đầu cho bà con thu hoạch ổn định.

Anh Vàng Giá Chừ - Trưởng bản Nậm Xả chia sẻ: “Bản có 115 hộ với gần 450 nhân khẩu, 100% người dân tộc La Hủ. Nhờ những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bà con chủ động thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Dân bản giờ không trồng nương ngô, lúa như trước nữa mà dần chuyển đổi những diện tích bạc màu cho năng suất thấp sang trồng xen lẫn quế”.

Trước đây, trên diện tích đất 1,3ha quế của gia đình bà Tống Thị Kiều ở bản Bum, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè chỉ trồng cây sắn, cây ngô và để cho bà con trong bản chăn thả gia súc.

Đến nay, huyện Mường Tè đã có trên 1.800ha quế.

Đến nay, huyện Mường Tè đã có trên 1.800ha quế.

Đầu năm 2017, được các cấp chính quyền huyện tuyên truyền về trồng rừng sản xuất với những chính sách hỗ trợ về giống, tiền cho việc chuyển đổi đất, gia đình bà Kiều đã mạnh dạn tham gia chuyển sang trồng quế. Nhờ tích cực chăm sóc cùng với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp nên cây quế của gia đình bà phát triển tốt.

Đến năm thứ 4, diện tích quế của gia đình bà Kiều đã bắt đầu cho thu nhập từ việc tỉa cành, tỉa lá. Riêng trong năm 2021, từ tận thu lá, tỉa cành, tỉa cây bán đã cho gia đình bà Kiều thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Chỉ tay về những đồi quế đang phát triển xanh tốt, bà Kiều cho biết: "Nhà tôi trồng quế từ năm 2017, đến nay cây quế đã bắt đầu cho tỉa lá, tỉa cành để bán cho thương lái, có thu nhập rồi nên cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn. Năm nay, tôi tiếp tục xin trồng thêm cây quế để mở rộng diện tích, tăng hơn nữa thu nhập cho gia đình".

Tại các xã Mường Tè, Bum Nưa, Vàng San, Bum Tở, người dân trồng cây quế từ năm 2016, 2017 đã có thu nhập ổn định từ loại cây trồng này. Với hiệu quả bước đầu như vậy, hiện nay các xã trên địa bàn huyện Mường Tè luôn xác định cây quế là một trong những cây trồng cần tập trung đầu tư có trọng điểm theo hướng hình thành vùng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.

Ông Lý Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Tè cho biết: “Cây quế được chúng tôi triển khai trồng từ năm 2016. Ban đầu, chúng tôi thí điểm trồng 10ha. Cây quế khá phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương, đã và đang phát triển rất tốt. Đến nay, tổng diện tích cây quế trên địa bàn xã đạt hơn 200ha”.

Sản xuất gắn với đầu ra

Từ các chương trình dự án của nhà nước hỗ trợ cũng như việc các cấp chính quyền huyện Mường Tè chú trọng khuyến khích người dân phát triển cây quế. Đến nay huyện Mường Tè có trên 1.800ha quế được trồng, trong đó trên 100ha là người dân tự trồng.

Từ đầu năm 2020, một số diện tích cây quế trồng những năm 2016, 2017 trên địa bàn huyện đã cho tỉa lá, tỉa cành bán cho hộ tư nhân và doanh nghiệp tới mua với giá thành 1.200 đồng/kg lá, 3.000 đồng/kg cành tươi để chiết xuất tinh dầu quế. Nhờ đó đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Tè.

Ông Lý Xá Hừ, Phó trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè cho biết: “Đến nay, hơn 400ha quế trồng từ năm 2016, 2017 đã bắt đầu cho thu hoạch. Huyện Mường Tè là một trong những địa phương triển khai tích cực Đề án Phát triển cây quế của tỉnh Lai Châu, chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ phát triển khoảng 2.500ha cây quế”.

Năm 2023, UBND huyện đã giao cho các xã là 450ha quế. Đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè đã hỗ trợ người dân đo đạc thiết kế và chuẩn bị giống để trồng.

Ông Vàng Xé Lòng, Phó Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho biết: “Hiện tại, tổng diện tích quế của xã có khoảng hơn 500ha. Diện tích quế trồng từ 2017 đã được tỉa cành và lá với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/ha. Trong năm 2023, xã được giao 100ha trồng mới. Hiện tại chúng tôi đã đo đạc, thiết kế với diện tích vượt quá kế hoạch giao. UBND xã cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân thực hiện trồng, chăm sóc và phát triển cây quế”.

Công ty cổ phần sản xuất chế biến dược liệu HTCVINA cam kết thu mua sản phẩm quế cho người dân.

Công ty cổ phần sản xuất chế biến dược liệu HTCVINA cam kết thu mua sản phẩm quế cho người dân.

Cũng theo ông Lý Xá Hừ, hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Tè đã có 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế và 2 cơ sở thu mua lá để sơ chế chuyển về các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, diện tích quế chưa đủ tuổi khai thác, tỉa cành. Vì thế, đơn vị đã hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật để tỉa cành và chăm bón để đảm bảo cây quế được phát triển tốt.

Anh Nguyễn Đức Anh, quản lý nhà máy chế biến tinh dầu quế thuộc Công ty cổ phần sản xuất chế biến dược liệu HTCVINA cho biết: “Với công suất hiện tại, mỗi ngày, nhà máy có thể tiêu thụ được 40 tấn lá. Nguyên liệu ở khu vực đang không đủ để nhà máy duy trì đều. Chúng tôi hứa và cam kết bao tiêu sản phẩm quế cho người dân”.

Ông Vũ Văn Cương , Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Từ việc triển khai tích cực đề án phát triển cây quế, trong tương lai đây sẽ là cây trồng mũi nhọn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, giúp người dân thoát nghèo. Bên cạnh đó, còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của huyện biên giới Mường Tè”.

"Đến nay, một số diện tích quế đã bước đầu đem lại thu nhập cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo người dân chú trọng chăm sóc phát triển, mở rộng diện tích cây quế. Huyện cũng xác định cây quế là một trong những cây trồng chủ lực giúp bà con thoát nghèo và làm giàu" - ông Vũ Văn Cương , Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ