Chú trọng giảm nghèo
Được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của 2 huyện: Mường Tè, Sìn Hồ theo Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 02/11/2012 của Chính phủ, ban đầu huyện Nậm Nhùn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Theo ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, khi mới chia tách và thành lập, hầu hết các xã trên địa bàn đều thuộc diện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, giao thông không thuận lợi.
“Chúng tôi có xuất phát điểm thấp. Quy mô nền kinh tế nhỏ, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thương mại dịch vụ kém phát triển. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn thấp, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội còn nhiều phức tạp” – ông Hóa cho biết.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, làm tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Nậm Nhùn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo.
“Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân, các tổ chức kinh tế - xã hội nhận thức rõ về chương trình giảm nghèo bền vững. Đồng thời, khơi dậy tính tự lực, tự cường, phát huy vai trò “chủ thể” của người dân trong việc chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững” – ông Hóa chia sẻ.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương này đã lựa chọn, xây dựng đề án, nghị quyết chuyên đề và đưa ra các định hướng cụ trong phát triển kinh tế như: Nghị quyết số 01-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/HU về việc phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung giai đoạn 2016 – 2020…
Cùng với đó, huyện đã khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình 30a, 135, chương trình xây dựng nông thôn mới và những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó, giúp người dân phát triển kinh tế cũng như hướng đến thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Mô hình trồng chanh leo ở xã Nậm Pì. |
Với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của cả hệ thống chính trị và sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân các dân tộc, kinh tế - xã hội của huyện Nậm Nhùn đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Sau 10 năm thành lập, kinh tế của huyện Nậm Nhùn có bước tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tăng 21,5 triệu đồng so với năm 2013. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 37,841 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 15,73%, giảm hơn 27% so với năm 2013.
Theo ông Ngô Hồng Kiên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, đến nay, cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu. 10/10 xã trong huyện có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã, 69/69 bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 91%, tăng 48,3% so với năm 2013.
“Cơ sở hạ tầng được đầu tư và phát triển đồng bộ đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của huyện biên giới Nậm Nhùn” – ông Ngô Hồng Kiên cho biết.
Tập trung phát triển giáo dục
Theo ông Vũ Tiến Hóa, cùng với sự đầu tư đồng bộ về phát triển kinh tế, hướng đến giảm nghèo, huyện tập trung vào phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa.
Khi mới thành lập, hệ thống trường, lớp học của huyện chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Toàn huyện có trên 30% số phòng học tạm và nhiều công trình trường học được đầu tư đã xuống cấp.
“Chúng tôi tập trung các nguồn lực để phát triển giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trình độ của người dân. Cùng với đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Với đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển vững mạnh” – ông Vũ Tiến Hóa nói.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa, đến nay, hệ thống mạng lưới trường, lớp học đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn huyện có 33 trường và 1 Trung tâm giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên. Toàn huyện có 419 lớp với 625 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố là 96,9%.
“Huyện có 16 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 48,5%. Đến nay, 11/11 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học” – ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn cho biết.
Huyện Nậm Nhùn chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực địa phương. |
Cùng với phát triển giáo dục, lĩnh vực y tế cũng đạt được những kết quả tích cực. Công tác khám, chữa bệnh cơ bản đáp ứng nhu cầu cho người dân. Truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình và công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em được đẩy mạnh. Huyện đang từng bước nâng cao chất lượng thể lực, tuổi thọ trung bình cho người dân.
Trong lĩnh vực văn hóa, các thiết chế từ huyện đến cơ sở được đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia. Nếp sống văn minh từng bước được hình thành. Toàn huyện hiện có 70 nhà văn hóa, trong đó, có 8 nhà văn hóa xã.
Theo ông Vũ Tiến Hóa, để có được những kết quả trên, địa phương đã kịp thời cụ thể hóa, vận dụng đúng đắn, sáng tạo các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của huyện. Cùng với đó, phát huy nội lực, đoàn kết thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, luôn phát huy dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò chủ thể của người dân.
"Nhờ tập trung lựa chọn những việc trọng tâm, đột phá để tổ chức thực hiện và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huyện Nậm Nhùn đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện và vững chắc trên các lĩnh vực. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển đi lên của huyện trong thời gian tới" – ông Vũ Tiến Hóa chia sẻ.