Điện Biên hỗ trợ hộ nghèo ở xã nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều xã ở huyện Điện Biên dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM, song để giữ vững và nâng cao các tiêu chí cũng không phải là dễ dàng gì.

Được hỗ trợ cây, con giống, để xóa đói giảm nghèo, cuộc sống của gia đình chị Lường Thị Diện đang dần được cải thiện.
Được hỗ trợ cây, con giống, để xóa đói giảm nghèo, cuộc sống của gia đình chị Lường Thị Diện đang dần được cải thiện.

Đạt nhưng khó giữ...

Xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên là xã đầu tiên của tỉnh Điện Biên thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. 8 năm sau, đến nay Thanh Chăn vẫn còn 8% số hộ dân là hộ nghèo. Là xã thuần nông, phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên thu nhập của người dân trên địa bàn chưa cao. Ở một số thôn bản, đồng bào dân tộc thiểu số thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để vận động nhân dân vươn lên thoát nghèo, các hội, đoàn thể xã tích cực xuống các thôn bản tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt tăng thu nhập. Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh cũng đứng ra tín chấp, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn ngân hàng Chính sách để làm kinh tế.

Bà Lò Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Chăn cho biết: “Hội Nông dân chúng tôi trước hết xuống các thôn bản tuyên truyền cho hội viên của mình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kết hợp với ngân hàng Chính sách cho các hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Riêng Hội Nông dân quản lý 6 tổ TKVV với dự nợ hơn 9 tỷ. Bà con nông dân vay ngân hàng Chính sách về đầu tư chăn nuôi trâu bò với trồng cây ăn quả, với mô hình nuôi gia cầm, nuôi cá.

Một góc của xã Thanh Chăn.

Một góc của xã Thanh Chăn.

Bản Na Khưa từng là một trong các bản đặc biệt khó khăn của xã Thanh Chăn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bản được đầu tư xây dựng đường giao thông. Người dân trong bản được hỗ trợ cây trồng vật nuôi, đời sống từng bước được nâng lên. Tuy nhiên hiện nay bản vẫn còn một số hộ gia đình chưa thể thoát nghèo, do các hoàn cảnh đặc biệt như: Thiếu đất sản xuất, người bệnh tật, yếu thế. Bởi vậy vấn đề thoát nghèo đối với các hộ gia đình này vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở.

Do thiếu đất sản xuất, không có nghề phụ, gia đình chị Lường Thị Diện hiện vẫn đang là hộ nghèo của bản Na Khưa. Để giúp gia đình chị xóa đói, giảm nghèo, chị Diện được bản, xã bình xét, hỗ trợ nhiều chương trình như: Hỗ trợ bò giống sinh sản để chăn nuôi, hỗ trợ giống bưởi, giống ngan, gà để phát triển kinh tế. Được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, những năm vừa qua gia đình chị Diện có thêm thu nhập, đời sống đang từng bước được cải thiện.

Chị Lường Thị Diện nói: “Được Nhà nước hỗ trợ con bò, tôi nuôi thêm lợn, gà, vịt nữa. Mấy năm trước gia đình tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ giống bưởi để trồng trong vườn. Tôi nuôi trâu, bò, lợn lấy phân ủ để bón cho bưởi. Năm vừa rồi bưởi bị mưa đá cũng rụng nhiều, nhưng hằng năm gia đình tôi cũng bán được vài triệu tiền bưởi để mua gạo”.

Bấp bênh...

Xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đạt chuẩn NTM năm 2017. Tuy nhiên sau một số năm xã này vẫn còn hàng chục hộ gia đình đang sống trong những căn nhà tạm dột nát. Xóa nhà tạm, xóa hộ nghèo vẫn là vấn đề khó khăn đối với chính quyền địa phương. Để hỗ trợ tạo động lực cho các hộ gia đình nghèo vươn lên, chính quyền địa phương đã vận dụng nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện và từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ người nghèo ổn định đời sống, phát triển kinh tế, và vươn lên thoát nghèo.

Hàng chục hộ ở Thanh Chăn đang phải sống trong những căn nhà dột nát, xiêu vẹo.
Hàng chục hộ ở Thanh Chăn đang phải sống trong những căn nhà dột nát, xiêu vẹo.

Gia đình bà Lò Thị Pọm, bản Hạ có hai con trai, nhưng cả hai đều mắc các căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến họ không thể lao động được. Đó cũng là nguyên nhân khiến gia cảnh hai vợ chồng bà ngày một sa sút. Để hỗ trợ gia đình họ vượt qua những thời điểm khó khăn, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước dành cho hộ nghèo như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho học sinh là con hộ nghèo.

Ngoài ra các hội, đoàn thể xã còn vận động các nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ các nhu, yếu phẩm và đồ dùng cần thiết khác cho gia đình. Năm 2023 gia đình bà vừa được thôn bản bình xét để được hỗ trợ dựng nhà ở. Bà và gia đình sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vận động của Mặt trận tổ quốc tỉnh, ngân hàng Chính sách xã hội cũng sẽ cho vay 40 triệu đồng với lãi suất rất thấp. Được hỗ trợ làm được căn nhà để tránh mưa, trú nắng là mong mỏi của gia đình bà.

Bà Lò Thị Pọm chia sẻ: “Gia đình khó khăn lắm. Hai con thì bệnh tật đi viện suốt. Hai vợ chồng thì không biết làm gì, trước có sức khỏe thì chỉ đi lấy củi bán, giờ thì đi làm thuê thôi. Gia đình tôi cũng được hỗ trợ nhiều, như hộ trợ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, cháu đi học thì được hỗ trợ học phí, hỗ trợ máy tính. Vừa rồi xã gọi lên làm hồ sơ hỗ trợ xây nhà. Gia đình cũng mong sao Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi có căn nhà đỡ mưa, đỡ nắng”.

Huyện Điện Biên là huyện có nhiều xã đạt chuẩn NTM nhất trên toàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên với đặc thù là các xã nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập của người dân các thôn bản chưa đồng đều. Ở nhiều thôn bản khó khăn, đời sống người dân còn khó khăn do việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Vận dụng các chương trình chính sách của Nhà nước hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định nơi ăn chốn ở, là vấn đề quan trọng giúp các xã này giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, dần tiến lên xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ