Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...

Khi những cánh hoa gạo (còn gọi là Pơ lang, hoặc mộc miên) bắt đầu bừng nở thì cũng là lúc lễ hội đâm trâu của người Ca Dong ở hai huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và Nam Trà Mi (Quảng Nam) diễn ra. Đây là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn.

Đủ các lý do để tổ chức lễ đâm trâu. Một chủ hộ có con bị ốm nặng, cúng kính và vái tứ phương vẫn không khỏi bệnh. Chủ hộ hứa với thần linh - cũng là tự hứa với lòng mình, rằng nếu đứa con bớt bệnh thì gia đình sẽ tổ chức lễ đâm trâu để tạ ơn và đãi dân làng.

Rồi con bớt bệnh thật, sau khi đi bệnh viện chứ không phải bớt do cúng bái. Một chủ hộ khác, thấy khoảnh ruộng, rẫy mì năm nay của nhà mình được mùa nên hứa là đến mùa hoa gạo nở sẽ tổ chức lễ đâm trâu… Thế là đâm trâu. Rất nhiều lý do như thế để người Ca Dong tổ chức lễ đâm trâu.

Chủ nhà lựa một con trâu bất kỳ nào đó trong đàn, sau khi bắt thăm, con trâu đó sẽ được hiến tế trong lễ hội. Vì bắt thăm theo kiểu hên/xui nên có khi con trâu hiến tế ấy đang mang thai mà vẫn bị giết thịt. Giết mổ gia súc để cúng tế là chuyện bình thường nhưng giết trâu trong lễ hội của người Ca Dong thì khá rùng rợn.

Con trâu được buộc chặt vào cột cây nêu. Trên cây nêu được chạm trổ khá bắt mắt theo quan niệm về trời đất, thần linh của người Ca Dong. Dân làng tụ về gia chủ có con trâu chuẩn bị hiến tế.

Ai có “kỷ niệm” gì với con trâu ấy thì đến vuốt ve nó, nhắc lại những “kỷ niệm” với nó. Cũng có người đến bên con trâu “động viên” nó, rằng “trong hàng trăm con trâu của bộ tộc nhưng chỉ có mày là được chọn để hiến tế thần linh. Mày đừng buồn mà nên lấy đó làm vinh dự”.

Hát, múa, đánh chiêng, gõ trống chán chê quanh con trâu thâu đêm để tờ mờ sáng hôm sau, con trâu bị hành quyết. Cả 5 - 7 trai làng vâm váp, tay cầm mác, đi vòng quanh cây nêu theo điệu chiêng. Cứ thế họ vừa đi vừa đâm vào thân con trâu, máu me đầm đìa cho đến lúc chết.

Vì mời hàng trăm người đến uống rượu, múa chiêng, hát các làn điệu dân ca nên thịt một con trâu không đủ mà phải kèm theo 3 - 5 con heo và hàng chục con gà. Còn rượu thì ê hề, uống no say hết ngày này sang ngày khác.

Một con trâu tầm trung hiện nay giá khoảng 25 - 30 triệu đồng, cộng với heo gà nữa thì một lễ đâm trâu, gia chủ tốn khoảng 50 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với một hộ gia đình đồng bào thiểu số.

Vì phần lớn các chi phí cho lễ hội ấy, gia chủ thường đi vay mượn nên nợ nần triền miên. Nhiều người phải bán vườn keo non cho thương lái để phục vụ cho lễ đâm trâu nên đến khi thu hoạch keo, chả còn đồng nào.

Xét về mặt văn hóa thì hình thức hiến tế bằng cách đâm trâu đến chết như thế, thật ghê rợn, không nên chút nào. Xét về kinh tế thì quá tốn kém vì đa số đồng bào hiện nay chưa phải khá giả gì. Đâm trâu và ăn uống lu bù ngày nọ sang ngày kia vừa lãng phí tiền bạc, vừa ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe.

Năm 2019, người Cơ Tu ở Quảng Nam đã bỏ hình thức đâm trâu “truyền thống” này. Họ vẫn cột trâu vào cây nêu, cũng làm tất cả các công đoạn của một lễ hiến tế nhưng sau các màn múa hát, họ mang con trâu đi chỗ khác để giết thịt. Lễ vẫn diễn ra, hội vẫn vui vẻ mà sự “man rợ” đã không còn bày ra trước mắt nữa.

Có lẽ người Ca Dong nên học tập theo cách của người Cơ Tu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ