Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu

GD&TĐ - Ngày 10/3, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên- Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới đã tổ chức lễ hội Ariêu Car - một trong những lễ hội văn hóa truyền thống lớn với sự tham gia đông đảo cộng đồng người dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy đang sinh sống ở địa bàn vùng cao huyện A Lưới

Ngày hội đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc đang sinh sống bên dãy Trường Sơn cùng tham gia
Ngày hội đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc đang sinh sống bên dãy Trường Sơn cùng tham gia

Theo các già làng, lễ hội Ariêu Car vốn có từ xa xưa nhằm mục đích tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các làng bản có mối quan hệ về họ tộc và nơi cư trú.

Đặc biệt, lễ hội Ariêu Car là dịp để tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho dân làng sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới - còn cho biết: Nhiều năm qua, huyện đã duy trì lễ hội Ariêu Car như một nét đẹp truyền thống và thường được tổ chức luân phiên từ 5 đến 10 năm một lần.

Khác với những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới, lễ hội Ariêu Car có nhiều phần nghi lễ chính như: “tâng hung” để họp bàn thống nhất cách thức tổ chức; lễ “a xa a rah” nhằm tẩy rửa những điều ô uế, nhơ bẩn trong làng bản; lễ “ta nôm” là giao ước giữa các già làng với thần linh; lễ “chật ty riaq” tức đâm trâu, đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội.  Tuy nhiên, khác với những lễ hội trước, năm nay lễ hội Ariêu Car đã được bỏ đi phần lễ đâm trâu.   

“Thực hiện theo Thông tư số 15 của Bộ VHTT&DL về quy định không tổ chức các lễ hội có nội dung “đâm chém, kinh dị, rùng rợn”... nên tại lễ hội Ariêu Car năm 2016, Ban tổ chức đã bỏ nghi lễ đâm trâu. Mặc dù vậy nhưng lễ hội vẫn diễn ra hoành tráng, đậm chất văn hóa dân gian và thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số đến tham dự” - Bà Thêm khẳng định.

Lễ hội A riêu Car là lễ hội linh thiêng và lớn nhất được tổ chức định kỳ 10 năm hoặc 20 năm một lần. Nội dung ý nghĩa của lễ hội A riêu Car nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các làng, qua đó kết nghĩa tâm giao giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, tạo điều kiện cho nhau về đất đai để làm ăn sinh sống, gắn kết tình thông gia, tình bạn, giải quyết, giải hòa mâu thuẫn giữa các làng bản. Các già làng sẽ quy định, quy ước chung những điều không được vi phạm, đưa ra những hình phạt nhất định nếu bên nào vi phạm và sẽ giải quyết, xử lý theo lệ làng đã quy định.

Trước đây lễ hội thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày. Nghi lễ trước khi tổ chức lễ hội chính thức sẽ có 5 nghi lễ không thể thiếu và khi tổ chức lễ hội chính thức các già làng, chủ lễ hội phải thực hiện qua 8 nghi lễ. Cuối cùng phần hội kết thúc già làng sẽ thực hiện nghi lễ báo hiệu lễ hội kết thúc.

Bên lề tái hiện lễ hội A Riêu Car truyền thống, huyện A Lưới còn tổ chức tái hiện một số sinh hoạt văn hóa các dân tộc A Lưới như trình diễn và trưng bày các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống; trình diễn và trưng bày các sản phẩm dệt Zèng truyền thống; không gian văn hóa ẩm thực và trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống.

Một số hình ảnh về lễ hội Ariêu Car của cộng đồng người dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy đang sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vỹ diễn ra tại thị trấn A Lưới:

Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu ảnh 1Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu ảnh 2Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu ảnh 3Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu ảnh 4Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu ảnh 5Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu ảnh 6Lễ hội A Riêu Car không còn cảnh đâm trâu ảnh 7

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.