Hiện nay, Việt Nam là nước tiêu thụ sừng tê giác lớn thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc. Điều này đến từ quan niệm xưa cũ rằng sừng tê giác là một loại thần dược, có thể chữa nhiều bệnh, trong đó có căn bệnh ung thư. Nhiều người giàu ở Việt Nam còn sử dụng sừng tê giác như một vật trang trí trong nhà, nhằm khẳng định đẳng cấp.
Chính việc này đã dẫn đến sự sụt giảm khủng khiếp số lượng tê giác trong tự nhiên, giảm 95% trong 40 năm qua. Tại Nam Phi, nơi sở hữu 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới, cứ mỗi ngày lại mất đi 3 cá thể tê giác.
Còn tại Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng đã bị giết để lấy sừng vào năm 2010. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới đã tính toàn rằng, loài tê giác sẽ bị tuyệt chủng chỉ sau 6 năm nữa, nếu tình trạng thảm sát tê giác hiện nay không được ngăn chặn.
Tại sự kiện, các đại sứ tê giác từ Mỹ và Nam Phi đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp: Không sử dụng, không nhận và không tặng sừng tê giác. Jared Robinson - học sinh Nam Phi - chia sẻ: Chúng ta phải truyền thông điệp này để làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác. Khi tê giác mất đi chiếc sừng, nó cũng sẽ chết. Nếu tê giác tuyệt chủng, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy chúng một lần nữa.
Có mặt tại sự kiện, ông Vũ Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh – chia sẻ: Sừng tê giác cũng giống như móng tay của chúng ta. Hiện nay tại Việt Nam, nhiều câu lạc bộ tình nguyện cũng đã được thành lập để tăng cường tuyên truyền về việc sử dụng sừng tê giác. Việc này sẽ giúp giảm thiểu việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác trái phép tại Việt Nam trong những năm tới.
Cũng phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam - ngài Ted Osius - đánh giá cao thông điệp truyền tải của chiến dịch và cho rằng việc các bạn trẻ ký Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên Thế giới về Tê giác và chuyển giao nó đến các nhà lãnh đạo Việt Nam có ý nghĩa lớn lao. Đại sứ Mỹ kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam hãy tích cực tham gia vào lễ hội WildFest, vào ngày 8/11 tại Hoàng thành Thăng Long, để nâng cao nhận thức cho bản thân và xã hội.
Tại sự kiện trao đổi, các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam cũng được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, như thưởng thức điệu nhảy của dân tộc Zulu của Nam Phi, tham gia tô màu tranh tê giác, hay in dấu chân lên một tấm bạt lớn để ủng hộ dự án “1.000.000 dấu chân để cứu châu Phi”.
“Những kẻ giết tê giác vì họ không yêu tê giác. Người Nam Phi không giết tê giác vì chúng tôi yêu quý tê giác. Giết tê giác ảnh hưởng tới môi trường sống, tới cộng đồng dân cư.
Sừng tê giác không phải là thuốc, không phải là vật trang trí nhà cửa cho người giàu có. Nếu ai đó có nhiều tiền và không biết làm gì, hãy đầu tư cho các trường học, để trẻ em có thể đi học và đạt những bước tiến trong cuộc sống.
Các bạn trẻ hãy cất tiếng nói. Hiện nay chúng ta có rất nhiều phương tiện, như Facebook, Instagram… Nếu chúng ta cùng cất tiếng nói, chúng ta sẽ được lắng nghe” - Phelisa Matyolo, đại biểu đoàn Nam Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên Thế giới về Tê giác tổ chức năm 2014.