Sau một tháng phát động, trải qua Vòng loại và các buổi tập huấn bổ ích, 14 đội thi xuất sắc nhất đã góp mặt tại vòng Chung kết với thử thách cuối cùng: thuyết trình giới thiệu ý tưởng đề tài và trả lời câu hỏi trực tiếp từ Ban giám khảo.
Các đội thi đã mang đến những màn tranh tài đầy hấp dẫn với nhiều đề tài khác nhau từ 5 nhóm chủ đề: 1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập; 2. Sử dụng công nghệ thông tin và Internet hiệu quả trong đời sống; 3. Công nghệ kết nối con người; 4. An toàn trong thế giới công nghệ: Các nguy cơ, cạm bẫy khi kết nối Internet và mạng xã hội; 5.Kết nối vạn vật – Internet of Things (IoT).
Cô Lê Tuệ Minh - Tổng Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc chương trình |
Không chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu về các vấn đề liên quan tới ứng dụng của công nghệ trong cuộc sống và học tập; phần lớn các đội thi năm nay đều giới thiệu đến khán giả những sản phẩm thực tế do chính các bạn sáng tạo, có tính ứng dụng cao ở nhiều lĩnh vực như: Hệ thống tưới cây tự động; Ứng dụng mobile trong lĩnh vực y tế; Thiết bị kiểm soát nồng độ cồn tự động cho người lái xe ô tô…
“Nếu thiết bị đo nồng độ cồn xác định trong ngưỡng cho phép thì động cơ ô tô mới hoạt động, ngược lại thì xe sẽ tự động tắt máy”. Đó là chia sẻ đến từ đại diện nhóm DAL (Durable And Love) khi giới thiệu về thiết bị kiểm soát nồng độ cồn tự động với mục đích giảm tình trạng tai nạn giao thông do rượu bia.
Mơ ước về một ngôi nhà thông minh đã được mô hình hóa bởi các nhà thiết kế và kĩ sư tự động hóa đến từ đội Champions (lớp 8A3). Nhờ việc áp dụng các phần mềm 3D để dựng thiết kế; sử dụng các cảm biến ánh sáng, cảm biến âm thanh, cảm biến khói và cảm biến nhiệt kết hợp... với mạch Adruno để thiết lập điều khiển tự động. Ngôi nhà thông minh của đội Champions có thể tự động bật đèn, mở cổng khi có người về và khi trời mưa thì hệ thống sẽ giúp rèm cửa tự động đóng lại.
Bằng những kiến thức đã được học trong nhà trường như ngôn ngữ lập trình scratch trong môn ICT, chủ đề điện học trong môn Vật lý... các bạn học sinh lớp 6A5 đã sáng tạo về một mô hình chiếu sáng thông minh. Với mô hình này, tín hiệu đèn giao thông ở các ngã tư được WISHers lập trình chạy tự động; các đèn đường, đèn công viên tự sáng khi trời tối và tự tắt khi trời sáng; các đèn ở chân cầu vượt tự động sáng luân phiên các màu vào ban đêm và tắt vào ban ngày.
Phần thuyết trình của một đội dự thi |
“Tôi muốn làm chủ tương lai của mình” - đó là thông điệp của nhóm TTNGV (10B5) khi giới thiệu đến mọi người ý tưởng: ISO app để định hướng nghề nghiệp. ISO có nghĩa là International Student Orientation, học sinh sử dụng app này được tiếp xúc với những nguồn thông tin cơ bản và uy tín từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực; không chỉ tiếp xúc với các kiến thức hàn lâm, học sinh còn được tiếp xúc với nguồn thông tin thực tế; học sinh có thể nghiên cứu các ngành nghề khác nhau...
Cũng trong Ngày hội công nghệ - Chung kết cuộc thi WeTech 2019, khán giả có cơ hội lắng nghe những chia sẻ từ diễn giả cũng như tham gia các hoạt động trải nghiệm sản phẩm công nghệ do chính học sinh lập trình và các công ty công nghệ (IECC, STEAM Việt Nam, MindX…)
Anh Nguyễn Thanh Tùng - CEO MindX đã mang đến hội trường những câu chuyện truyền cảm hứng trong hành trình làm công nghệ của mình: Học lập trình là học ngôn ngữ. Ai cũng có thể. Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ con người - chính là những bạn trẻ đam mê - thế hệ kiến tạo tương lai.
Kết quả chung cuộc:
Bảng thi khối 6 - 8:
Giải Nhất: WeTranslate app - Team Mundane Peeps (7A7)
Giải Nhì:AZ healthcare app - Team AZ health care (8A4) và Chiếu sáng thông minh - Team 6A5
Giải Ba: Tìm hiểu vấn đề chống xâm hại tình dục qua mạng - Team 7A6-1
Bảng thi khối 9 - 12:
Giải Nhất: Hệ thống tưới cây tự động- Team A.W.E.S (10B3)
Giải Nhì: Ý tưởng: ISO app - Team TTNGV (10B5)
Giải Ba: Thiết bị kiểm soát nồng độ cồn tự động - Team DAL (9A2,9A3)