Đây không chỉ là dự án có ý tưởng khoa học tốt mà còn kết hợp cả ý tưởng kinh doanh sáng tạo dựa trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo, công nghệ Blockchain.
Ý tưởng giúp người thân
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện sản phẩm, nhóm trưởng Bùi Hương Ly, cũng là thành viên nữ duy nhất cho biết: Dự án khởi nghiệp của chúng em với tên gọi Nano Rutin - loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa và hỗ trợ phục hồi bệnh đột quỵ.
Sản phẩm nhằm giải quyết vấn đề xã hội rất cấp bách: Bệnh đột quỵ đang trở thành chứng bệnh rất nguy hiểm đối với người cao tuổi tại Việt Nam với số người nhập viện do đột quỵ tăng dần theo từng năm.
“Rutin thông thường có kích cỡ hạt micromet nên rất to và khó hòa tan trong nước. Sản phẩm của chúng em là rutin được bào chế theo dạng nano với kích thước nhỏ hơn 50 nanomet, gần như hòa tan trong nước, vì thế có hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần rutin thông thường. Đây là sản phẩm rất tốt cho người bị đột quỵ hoặc muốn phòng ngừa đột quỵ”.
Nhóm học sinh gồm có 5 thành viên, gồm nhóm trưởng Bùi Hương Ly, nhóm phó Lưu Hải Long, cùng 3 thành viên khác là Dương Xuân Anh, Nguyễn Đức Hiếu, Phạm Quang Huy. Trong đó có tới bốn bạn có người thân bị đột quỵ, và đó cũng là lý do giúp các bạn học sinh có ý tưởng nghiên cứu, điều chế loại sản phẩm này, trước hết là để giúp cho người thân của mình có loại sản phẩm tốt nhất để sử dụng.
Dương Xuân Anh, một thành viên của nhóm cho hay: Rutin do có nguồn gốc từ cây Ruta graveolens, sau này còn thấy có trong rất nhiều các loại hoa quả, thực vật như hoa hòe, hoa lạc tiên, hạt kiều mạch, các đồ uống có nguồn gốc từ thực vật (trà, rượu vang), đặc biệt là vỏ các quả cam, nho, chanh.
Kinh nghiệm dân gian thường dùng hoa hòe làm thuốc cầm máu trong các chứng ho ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, trĩ, phụ nữ băng huyết.
Ngày nay, các nhà khoa học đã phát hiện thấy rutin có nhiều tiềm năng tác dụng dược lý rất quý đang được khám phá như chống dị ứng, chống viêm, hạ mỡ máu, và đặc biệt là chống ung thư, chống tiểu đường…
Từ hơn 2 thập kỷ nay, các nhà khoa học đã phát hiện thấy rutin là một phân tử tự nhiên có đặc tính chống oxy hóa mạnh và dọn dẹp gốc tự do có hiệu quả, vì thế có nhiều tiềm năng điều trị các bệnh như ung thư, các chứng viêm mạn tính, các bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh parkinson…
Những tác dụng này đã được chứng minh trong thực nghiệm, tuy nhiên khi dùng cho người bệnh thì hiệu quả lại chưa thuyết phục do sinh khả dụng của rutin qua đường uống rất thấp vì rutin rất ít tan trong nước.
Các nhà sản xuất thuốc đang tìm cách nâng cao sinh khả dụng của rutin bằng nhiều cách, trong đó có việc sản xuất rutin dưới dạng các tiểu phần, sau đó kết hợp với các hệ dẫn thuốc khác nhau, tạo ra các phức hợp khác nhau. Thành công của các dạng thuốc mới sẽ “đánh thức” tiềm năng điều trị của rutin và đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh.
Nhóm trưởng Bùi Hương Ly hồ hởi chia sẻ: Dự án Nano Rutin do nhóm học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng tiến hành nghiên cứu với mong muốn tạo ra một sản phẩm ứng dụng công nghệ từ dược liệu Việt Nam, có tác dụng phòng ngừa bệnh đột quỵ và hỗ trợ cho người phục hồi sau đột quỵ. Chúng em muốn quảng bá rộng rãi sản phẩm đến mọi người và mong đây sẽ là một dự án khởi nghiệp thành công.
Khởi nghiệp kiểu “con nhà nghèo”
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chúc mừng thành tích của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Lan Anh. |
Ngoài việc chiết xuất ra sản phẩm có tính khoa học cao, các bạn học sinh còn đề xuất ý tưởng kinh doanh hiện đại dựa trên những kiến thức lập trình.
Nhóm phó Lưu Hải Long chia sẻ: Để có thể kinh doanh sản phẩm Công nghệ cao Nano Rutin thì không thể dùng những mô hình kinh doanh cổ điển mà cần phải có những cách bán hàng trực tuyến để quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.
Tuy nhiên hiện nay, phí quảng cáo trên Facebook và Google đang rất đắt đỏ và càng ngày sẽ càng đắt hơn. Do vậy, các bạn đã thiết kế ra phần mềm ứng dụng App Nano Rutin trên nền tảng Android.
App ứng dụng này sẽ là kênh bán hàng rất hiệu quả. Đây là mô hình kinh doanh mới có sự kết hợp giữa online và offline, được thiết kế và lập trình với công nghệ Blockchain. Nhóm hi vọng sẽ giới thiệu được sản phẩm này tới đông đảo mọi người.
Còn Phạm Quang Huy cho biết. Để được bổ sung kiến thức về thương mại hóa sản phẩm, nhóm đã liên hệ và được sự giúp đỡ của một số anh chị sinh viên Trường Đại học Ngoại thương trong việc lên kế hoạch, định hướng phương thức kinh doanh.
Không thể quảng cáo vì giá cả đắt đỏ, nhóm đã chọn cách tiếp cận các tài xế Grab và nhờ họ làm kênh trung gian giới thiệu app cũng như sản phẩm cho khách hàng. Các bạn học sinh đã phải tiếp cận với từng tài xế, đi xe của họ và tranh thủ thời gian đó giới thiệu sản phẩm, cũng như chế độ khi họ bán được sản phẩm.
Tuy nhiên, cách này cũng rất khó khăn vì các tài xế đôi khi không hiểu hoặc có những khi chuyến đi quá ngắn, trong khi mỗi lần đi chỉ tiếp cận được với một tài xế nên tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu bày tỏ mong muốn được tiếp cận với các công ty vận tải tổ chức một buổi giới thiệu chung cho các tài xế, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời tạo sự tin tưởng hơn cho họ trong quá trình quảng bá sản phẩm.
“Chúng em hy vọng sản phẩm của mình sẽ lan tỏa, mang lại cơ hội điều trị cho nhiều người, nhất là những người bị bệnh đột quỵ hoặc có nguy cơ bị đột quỵ”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.