Vì sao Ly Hương được lựa chọn để tham gia trình diễn cùng dàn nhạc danh tiếng Covent Garden Soloists?
- Được trình diễn với dàn nhạc Covent Garden Soloists là vinh dự với bất cứ nhạc sỹ nào, kể cả với những nhạc sỹ đã thành danh. Với tôi, cũng thế, cảm thấy rất vinh dự. Nhưng lý do nào mà Ban tổ chức lại chọn tôi ư? Có lẽ là do những thành tích mà tôi đã đạt được.
Ly Hương có thể kể vắn tắt về những thành tích của mình?
- Tôi theo học Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chuyên ngành sáo từ năm 2000 và tốt nghiệp xuất sắc năm 2014. Năm 2007, tôi giành giải Nhất hòa tấu kèn gỗ trong cuộc thi Âm nhạc thính phòng toàn quốc. Cũng trong năm này, tôi được dàn nhạc trẻ gia hưởng Đông Nam Á Sayowe tuyển chọn đi biểu diễn tại Thái Lan.
Năm 2009, tôi được tham gia biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng Hà Nội tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Beethoven tại Đức, tại Nhật. Năm 2013, tôi giành giải Nhất tại cuộc thi Quốc tế dành cho các nghệ sỹ sáo thế giới tại Nam Ninh (Trung Quốc).
Tại sao Ly Hương lại chọn nhạc cụ flute, thường phù hợp với nam giới, mà không phải những nhạc cụ nhiều người thích như piano, violin?
- Thực ra, chơi sáo flute không mất nhiều sức như kèn trumpet, cor hay các loại kèn khác nhưng cũng là loại nhạc cụ cần trường hơi, tức là cần sức khỏe tốt để giữ được hơi ổn định và dài.
Khi mới bắt đầu học nhạc, tôi theo học đàn organ điện tử và chẳng biết sáo flute là gì. Nhưng khi thi vào Nhạc viện, các giáo sư khuyên tôi chuyển sang học sáo vì họ nhìn thấy ở tôi các tố chất tự nhiên rất phù hợp với sáo flute.
Có lẽ đấy là một quyết định hoàn toàn chính xác từ các thầy và từ đó tôi cũng quyết tâm để theo đuổi nhạc cụ này?Bố mẹ tôi cũng là người làm âm nhạc nên cũng thông cảm và hiểu tôi. Chính gia đình góp phần quan trọng để tôi tự định hướng, vượt qua được nhiều khó khăn để có được ngày hôm nay.
Hằng ngày thời gian tập luyện của Ly Hương được thu xếp như thế nào?
- Đối với tôi, trong điều kiện sức khỏe cho phép hoặc trước các chương trình biểu diễn tần suất tập luyện sẽ căng thẳng hơn, có khi là cả ngày. Là một bộ môn gắn liền với hơi thở, nên phương pháp luyện tập cần được chú trọng để không bị tốn thời gian và sức lực.
So với bạn bè đồng lứa, Ly Hương có thấy mình khác biệt gì không?
- Tôi nghĩ cũng không có gì khác biệt. Trong thời gian nghỉ ngơi tôi vẫn có các cuộc gặp gỡ các bạn bè thân quen, bàn bạc những chương trình mới hoặc đơn giản chỉ là các buổi trò chuyện. Tôi cũng có rất nhiều các bạn thân ở Hà Nội, Hạ Long, Huế, TPHCM cũng như ở nước ngoài quen nhau trong những chương trình biểu diễn chung. Chúng tôi luôn luôn giữ những mối liên lạc mật thiết với nhau. Tôi cũng thích làm đẹp, thích online hay là đi chơi.
Ly Hương còn nhớ ngày đầu tiên bước lên trình diễn trên sân khấu hay không?
- Tôi không nhớ lần lên sân khấu trình diễn đầu tiên, có lẽ vì còn quá bé để nhớ. Nhưng với sân khấu, thực sự đó là niềm đam mê của tôi. Thường thì sự thăng hoa át đi phần hồi hộp. Trên sân khấu tôi luôn giữ được sự tự tin, tỉnh táo.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng để tôi rèn luyện được như vậy là tôi thường xuyên được mời là nhạc công sáo flute trong nhiều Dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam cũng như nước ngoài.
Là hot girl trong làng âm nhạc đỉnh cao Việt Nam, Ly Hương có muốn lấn sân lĩnh vực khác, như người mẫu chẳng hạn?
- Là con gái, ai chẳng thích khi mọi người mình là một cô gái đẹp. Nhưng gọi hot girl thì tôi nghĩ chưa xứng đáng bởi tôi chưa làm được gì nổi bật cả. Hiện tôi tập trung hoàn thành cho nhiều kế hoạch học tập và biểu diễn trong thời gian tới.
Có thể trong những giai đoạn sau tôi sẽ có những dự án âm nhạc xây dựng hình ảnh của mình bám sát các đối tượng khán giả trẻ. Nhưng người mẫu thì chắc chắn là không, bởi tôi nghĩ chỉ nỗ lực trong âm nhạc cũng chiếm hết thời gian của tôi rồi.
Tuy nhiên, có một sự thật hiện nay tại Việt Nam là các nghệ sỹ dòng nhạc thích phòng chưa được coi trọng. Nhiều khi nhìn những đêm diễn của các ca sỹ nhạc nhẹ, các ca sỹ hát nhạc thị trường luôn đông đảo khán giả thì những người làm âm nhạc đỉnh cao như chúng tôi cũng chạnh lòng lắm chứ.
Công chúng thích âm nhạc thị trường hơn âm nhạc cổ điển. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để âm nhạc cổ điển được nhiều người biết đến hơn, nó phụ thuộc vào cách tuyên truyền, nội dung âm nhạc.
Chính vì vậy, tôi nghĩ cần có thời gian và cách tuyên truyền âm nhạc cổ điển, từ dễ đến khó, từ các giai điệu quen thuộc đến các bản giao hưởng. Tôi nghĩ mình sẽ phải làm gì để khán giả có thể tiếp cận với âm nhạc đỉnh cao.
Tôi đang có kế hoạch là ngoài chơi âm nhạc cổ điển, tôi sẽ chơi những tác phẩm âm nhạc gần gũi với khán giả, dễ nghe dễ hiểu hơn. Ví dụ như nhóm nhạc Bond tại Anh hay nghệ sỹ violin Vanessa Mae của Singapore.
Tôi mong muốn mình sẽ đi theo con đường của họ, tôi sẽ đáp ứng nhu cầu khán giả trẻ không chỉ ở phần nghe mà còn cả ở phần nhìn, nghĩa là phải trình diễn với một phong cách sôi động, đầy cuốn hút chứ không phải chỉ cứng nhắc như những nhạc công cổ điển.
Vào tối 8/11 tại Phòng hòa nhạc của Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), tôi có một chương trình độc tấu bao gồm các tác phẩm kinh điển cho flute của các nhạc sĩ thiên tài thế giới nhưng bên cạnh đó tôi sẽ trình diễn những tác phẩm nhỏ, chuyển soạn các giai điệu bất hủ của làng nhạc cổ điển thế giới cho flute.
Đây sẽ là lần đầu tiên các tác phẩm này được biểu diễn tại Việt Nam. Nó là một sự thử nghiệm mới cho công chúng được gần gũi hơn với nhạc cổ điển tại Việt Nam.
Sau chương trình Toyota Classic, Ly Hương đã có kế hoạch gì tiếp theo?
- Tôi vừa trúng tuyển kỳ thi cao học chuyên ngành biểu diễn Flute tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển). Có lẽ tôi sẽ theo học tiếp tục và sẽ tham gia các chương trình biểu diễn lớn.
Trong năm tới, tôi cũng đã nhận được một số lời mời biểu diễn từ các Dàn nhạc giao hưởng và Thính phòng nước ngoài như Thái Lan, Thụy Điển, Đức...
Tôi nghĩ những chương trình như thế này sẽ giúp tôi tiếp tục rèn luyện thêm để có thể thực hiện dự án đem âm nhạc đến với khán giả trẻ của mình.
Nguyễn Ly Hương sinh ngày 19/10/1990. Cô là người Việt Nam duy nhất được mời tham gia dàn nhạc của Nhà hát giao hưởng vũ kịch Hoàng gia London - Vương quốc Anh) trong đêm nhạc Toyota Classic 2014 diễn ra tại TPHCM tối 18/11 tới.
Đêm nhạc Cổ điển Toyota mang tên “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống” năm nay đánh dấu mốc son 25 năm đưa âm nhạc đến với hàng triệu khán thính giả trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Gần 8,1 triệu đô la Mỹ thu được từ hơn 170 buổi hòa nhạc đã góp phần cho sự phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn khu vực.
Tại Việt Nam, toàn bộ tiền bán vé của chương trình đã được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ phát triển văn hóa nghệ thuật, đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, được dành cho quỹ “Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam”.