Hợp tác quốc tế tạo cơ hội chia sẻ phương pháp giảng dạy

GD&TĐ - Để nâng cao chuyên môn, tạo cơ hội học tập cho giáo viên và học sinh, nhiều địa phương, trường học đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước.

Tiết học Toán tiếng Anh của Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Cần Thơ. Ảnh: Trường Tiến
Tiết học Toán tiếng Anh của Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Cần Thơ. Ảnh: Trường Tiến

Nâng chất giáo viên, học sinh

Là trường vùng cao nhưng hơn 10 năm qua, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) đã ký kết hợp tác với một số cơ sở giáo dục của Trung Quốc và Singapore. Theo đó, hằng năm, giáo viên, học sinh hai bên qua lại trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập, giảng dạy.

Thầy Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, cho biết, mới đây, trường hợp tác thêm với Học viện Quản lý Singapore để đưa học sinh đi tham gia trại hè. Với Trường Trung cấp Hà Khẩu, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật (Trung Quốc), học sinh và giáo viên hai trường cũng có 2 lần trao đổi hợp tác/năm.

“Sau mỗi lần tham gia trao đổi, học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp ngoại ngữ. Về phía giáo viên, quá trình học tập tại Singapore, Trung Quốc đã giúp nâng cao chuyên môn, phương pháp giảng dạy Chương trình GDPT mới, cải thiện đáng kể trình độ ngoại ngữ, khả năng kiến tạo môi trường học tập thân thiện…”, thầy Xuân khẳng định.

Hiện nay, Trường THPT chuyên Lào Cai duy trì 5 môn giảng dạy bằng 50% tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. “Chúng tôi còn áp dụng một số phương pháp giáo dục của Singapore vào nhà trường. Ví như, mô hình quản lý học sinh cả ngày tại trường, hướng dẫn các em tự học, tận dụng tài liệu thư viện, cách bố trí thời gian ngủ trưa…

Cùng đó, trường đẩy mạnh mô hình 25 câu lạc bộ ở các lĩnh vực để học sinh có điều kiện phát triển bản thân. Tham gia câu lạc bộ, các em được chủ động lên kế hoạch, vận hành hoạt động câu lạc bộ. Hợp tác quốc tế đã và đang được nhà trường xem như cơ hội quan trọng, cần thiết để học sinh có thể tìm kiếm các suất học bổng du học”, thầy Xuân trao đổi.

Thầy Nguyễn Việt Hà – Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT chuyên Lào Cai - ghi nhận sự hữu ích từ hợp tác quốc tế mà nhà trường đang triển khai: “Quá trình tập huấn tại Singapore, chúng tôi có cơ hội trao đổi chuyên ngành, nâng cao ngoại ngữ, học hỏi nhiều phương pháp hướng dẫn học sinh tổ chức, lên ý tưởng và triển khai các hoạt động học tập. Tiếp thu và áp dụng hiệu quả mô hình lấy học sinh làm trung tâm trong dạy học cũng như hầu hết các hoạt động giáo dục khác, giáo viên chỉ đóng vai trò tư vấn, định hướng…”.

Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) ký hợp tác với Học viện Quản lý Singapore. Ảnh: NTCC

Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) ký hợp tác với Học viện Quản lý Singapore. Ảnh: NTCC

Cơ hội song hành thách thức

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, chia sẻ: “TP Cần Thơ luôn coi trọng chính sách đa ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông. Sở đã tích cực nâng cao hiệu quả giảng dạy ngoại ngữ, duy trì dạy song ngữ tiếng Pháp ở các cấp học, đẩy mạnh hợp tác, giao lưu quốc tế, nhất là với đối tác Pháp ngữ…

Dấu ấn hợp tác quốc tế tại Cần Thơ còn thể hiện rõ nét tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng khi đơn vị vinh dự được gắn biển “Label France Education” (công nhận trường xuất sắc trong giảng dạy song ngữ tiếng Pháp) của Viện Pháp tại Việt Nam năm 2019. Đây là đơn vị duy trì hoạt động “Không gian Pháp” nhiều năm qua, giúp học sinh yêu thích môn Tiếng Pháp có điều kiện tra cứu sách, tài liệu, tranh ảnh để trau dồi, giao lưu học thuật, nghiên cứu...”.

Ngoài đẩy mạnh hợp tác với Pháp và Mỹ, sắp tới ngành Giáo dục TP Cần Thơ sẽ mở rộng quan hệ với Thái Lan để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học bậc phổ thông.

Như một số địa phương khác, Sở GD&ĐT Lạng Sơn cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế giáo dục nhằm mang lại những cơ hội học tập, giao lưu, trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên và giáo viên.

Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, Sở GD&ĐT và LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh đã ký Bản ghi nhớ trao đổi công tác giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với Sở Giáo dục Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Trên tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo các tỉnh - khu tại các chương trình “Gặp gỡ đầu Xuân” và “Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp”, trong đó có thỏa thuận hợp tác lĩnh vực giáo dục, đào tạo cùng sự tích cực của 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Sở Giáo dục Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, các nội dung thỏa thuận đã được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực”.

Bà Vân cho biết, giai đoạn 2022 - 2026, mỗi năm Lạng Sơn cấp 5 suất học bổng đào tạo trình độ đại học cho học sinh Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tại các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam. Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cấp kinh phí (gồm học phí và các chi phí khác liên quan đến học tập) cho lưu học sinh theo số năm học chính quy, tập trung tại các trường đại học.

Chính quyền Quảng Tây, cấp cho 4 tỉnh biên giới Việt Nam mỗi tỉnh 20 suất học bổng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ/năm. Sở GD&ĐT Lạng Sơn sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thông báo tuyển sinh diện học bổng thỏa thuận của tỉnh Lạng Sơn với lưu học sinh Khu tự trị dân tộc Choang; tham mưu UBND tỉnh xét chọn các ứng viên (học sinh Việt Nam) đủ điều kiện tham gia đào tạo tại Quảng Tây.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục với các nước phát triển đem lại nhiều lợi ích, cơ hội cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, chia sẻ những khó khăn nhất định. Ví như, để một dự án vào Việt Nam cần nhiều thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian. Mặt khác, hiện nay nguồn kinh phí của địa phương dành cho giáo dục còn eo hẹp nên việc tổ chức đưa giáo viên, học sinh đi học tập kinh nghiệm ở các nước còn hạn chế…

Thầy Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, cũng chỉ ra những trở ngại từ quá trình hợp tác quốc tế với các đơn vị nước ngoài mà trường gặp phải. “Khi cử giáo viên sang Singapore tập huấn, số thầy cô đủ khả năng ngoại ngữ để có thể “hấp thụ” đầy đủ, trọn vẹn kiến thức khóa tập huấn còn ít, dẫn đến việc tiếp nhận phương pháp, kiến thức mới chưa đạt như mong muốn”.

Mặt khác, hợp tác quốc tế nhất định phải có hoạt động trao đổi giáo viên, học sinh với đối tác để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau nghiên cứu... Trong khi đó, kinh phí của nhà trường hạn hẹp, nên số lượng giáo viên, học sinh được cử tham gia trao đổi còn ít hơn so với nguyện vọng, yêu cầu của trường.

“Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục không chỉ mở ra cơ hội tìm kiếm học bổng cho học sinh đi du học, mà còn giúp giáo viên học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, nâng cao khả năng ngoại ngữ, cập nhật kiến thức chuyên môn mới vào giảng dạy. Thông qua hợp tác, ngành Giáo dục TP Cần Thơ còn có thể kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển giáo dục tại địa phương”. - Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ