Giáo dục hòa nhập quốc tế nhưng không hòa tan

GD&TĐ - Những mặt tích cực của quốc tế hóa trong giáo dục là điều không thể phủ nhận.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng giao lưu với sinh viên Trường ĐH Northampton, Vương quốc Anh. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng giao lưu với sinh viên Trường ĐH Northampton, Vương quốc Anh. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, để “hội nhập nhưng không hòa tan” lại là bài toán khó trong điều kiện tuân thủ liên kết đào tạo nước ngoài chưa chặt chẽ.

Những “con đường” hợp tác quốc tế

Hồng Hoàng Ngân và Phạm Như Uyên Nhi – sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK – ĐH Đà Nẵng) nhận được học bổng chương trình trao đổi sinh viên tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, Học kỳ Xuân năm 2022.

Với lộ trình đào tạo chuẩn quốc tế nhưng bắt rễ vào bối cảnh Việt Nam, sinh viên VNUK có cơ hội trải nghiệm, khám phá kiến thức và lĩnh hội những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Đặc biệt, giữa những biến động nền giáo dục như hiện nay, viện đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong tìm kiếm môi trường học tập chất lượng cho sinh viên.

Trao đổi sinh viên là một trong những cách thức các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam chọn để quốc tế hóa đại học. PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Có nhiều cách để triển khai hợp tác quốc tế như: Nhập khẩu các chương trình đào tạo nước ngoài về để triển khai giảng dạy tại Việt Nam, với đội ngũ giảng viên trong nước, có sự điều chỉnh để thích nghi với môi trường, văn hóa, kinh tế của Việt Nam.

Một cách thức khác là hợp tác thông qua nghiên cứu khoa học với giảng viên để đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Ngoài ra, có thể xây dựng các chương trình đào tạo dựa trên sự tư vấn của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài”.

Trao đổi sinh viên cũng được xem như một lựa chọn trong hợp tác quốc tế giáo dục đại học. Đây là cơ hội để sinh viên được hòa nhập vào môi trường học tập quốc tế, với những trải nghiệm mới về phương pháp học tập, ngôn ngữ, văn hóa.

Đơn cử như chương trình đào tạo Khoa học và Kỹ thuật máy tính của VNUK được phát triển dưới sự tư vấn chuyên môn từ ĐH Aston (Vương Quốc Anh – nằm trong top 10 trường ĐH có ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin tại Vương quốc Anh, theo The Guardian Uniersities Guide 2017). Nhờ vậy, sinh viên được học chuyển tiếp ở Vương quốc Anh theo các chương trình 3+1 hay 2+2.

Những chương trình liên kết của Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đều được ký kết với các đối tác đã đạt chuẩn kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín. Ngoài ra, đầu vào các chương trình liên kết phải đạt yêu cầu của Bộ GD&ĐT Việt Nam về ngoại ngữ, chuyên môn.

Tuy nhiên, theo như PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, các chương trình đào tạo đều phải được xây dựng lại trên cơ sở phù hợp với điều kiện Việt Nam. “Đây là bài toán buộc các cơ sở giáo dục đào tạo cần đáp ứng, vì nếu “bê nguyên” thì sinh viên chọn đi du học thay vì học chương trình liên kết tại Việt Nam như hiện nay. Sự điều chỉnh này có thể là mức học phí, một số nội dung môn học… hoặc có sự hỗ trợ, tăng cường ngoại ngữ cho sinh viên”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh khẳng định.

Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Đại học Lincoln (New Zealand) thông qua thỏa thuận hợp tác chuyển tiếp sinh viên theo hình thức 2 + 2. Ảnh: NTCC

Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Đại học Lincoln (New Zealand) thông qua thỏa thuận hợp tác chuyển tiếp sinh viên theo hình thức 2 + 2. Ảnh: NTCC

Cần đẩy mạnh truyền thông

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh cho biết, mỗi cách làm đều có những ưu, nhược điểm nhưng phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở giáo dục đại học liên kết chương trình đào tạo và chuyển tiếp sinh viên ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh đào tạo. Đây là điều rất đáng quan ngại.

“Bằng cách đó, một số cơ sở giáo dục đại học đang tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nước ngoài có nguồn thu từ người học đến từ Việt Nam nhưng lại không góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực trong nước. Đây là hình thức biến tướng liên kết đào tạo thông qua hợp tác quốc tế”, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng khẳng định.

Về phía Bộ GD&ĐT đã có một số giải pháp hạn chế tình trạng này thông qua việc kiểm soát chất lượng đầu vào của các chương trình đào tạo liên kết quốc tế và vấn đề cấp bằng cho các chương trình. Thế nhưng, theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, nếu người học nhận bằng tốt nghiệp của chương trình liên kết mà không có nhu cầu phải kiểm định bằng của Cục Khảo thí – Bộ GD&ĐT thì các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam vẫn có thể liên kết với các cơ sở đào tạo kém chất lượng ở nước ngoài.

“Việc kiểm soát của Bộ GD&ĐT Việt Nam đối với các chương trình liên kết được thực hiện thông qua công nhận bằng. Nếu người học và đơn vị sử dụng lao động không cần thực hiện kiểm định, công nhận bằng thì khâu này sẽ bỏ qua”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh phân tích.

Theo thời gian, bản thân người học và phụ huynh sẽ nhận diện ra những chương trình đào tạo mang yếu tố quốc tế nào tốt. Những cơ sở giáo dục có chất lượng, uy tín ở nước ngoài sẽ có chuẩn nhất định để đảm bảo chất lượng giáo dục và không hạ chuẩn, dù áp dụng ở môi trường đào tạo nào. Như với chương trình liên kết của Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng với Trường ĐH Coventry University, tất cả các bài thi của sinh viên đều được chuyển về Anh để chấm.

Chính vì vậy, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh đề xuất Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người học và phụ huynh biết danh sách những chương trình hoặc cơ sở đào tạo nào ở nước ngoài được đánh giá kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể những chuẩn có liên quan đến trường liên kết đào tạo ở nước ngoài...

“Bộ GD&ĐT đưa ra rất nhiều chuẩn về liên kết đào tạo, các cơ sở đào tạo đều nắm được những yêu cầu này. Thế nhưng có chấp hành hay không lại là vấn đề khác. Vì vậy, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để người học và cả đơn vị tuyển dụng có đầy đủ thông tin và giá trị bằng cấp của các chương trình liên kết”. - PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.