Hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo dạy nghề

GD&TĐ - Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp hữu hiệu nắm bắt xu hướng thay đổi thế giới.

Một lớp đào tạo nghề trang điểm của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II. Ảnh: NTCC
Một lớp đào tạo nghề trang điểm của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II. Ảnh: NTCC

Nâng cao năng lực sư phạm

Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, TP Hồ Chí Minh có hơn 100 giáo viên, với trên 15 nghìn học sinh, sinh viên. TS Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phát triển đội ngũ, nâng cao năng lực sư phạm cho các nhà giáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Vì vậy, nhà trường chú trọng cử giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Năm 2022, có 4 giáo viên đã được cử đi tập huấn, đào tạo ngắn hạn ở Đức.

Ngoài ra, nhà trường còn ký kết hợp tác trao đổi giảng viên với nhiều quốc gia. Trên tinh thần đó, có nhiều chuyên gia nước ngoài trao đổi, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên của trường theo hình thức trực tuyến. Sau tập huấn, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Tuy nhiên, theo TS Lộc, số giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp ở nước ngoài vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu theo các chương trình dự án hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

“Nhà trường chưa đủ kinh phí cử giáo viên đi học tập tại nước ngoại. Do đó, chúng tôi mong muốn có nhiều chương trình dự án hợp tác giữa Việt Nam với các nước để tăng số lượng giáo viên được đào tạo ở nước ngoài. Qua đó, nâng cao năng lực nghề nghiệp các cho thầy cô, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong đào tạo nghề nghiệp”, TS Lộc bày tỏ.

Bà Trần Thị Mai Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ châu Á - Thái Bình Dương cho hay, giai đoạn 2017 - 2020, hơn 1.500 giảng viên và cán bộ quản lý được tập huấn về phương pháp đào tạo nghề theo hướng tiếp cận năng lực. Trước đó, 470 giảng viên và cán bộ quản lý được đào tạo theo hướng này; trên 2.900 sinh viên đăng ký theo học các niên khóa 2012 - 2016.

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), thời gian qua, có khoảng 5 nghìn lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo. Khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài như: Malaysia, Úc, Đức, Pháp, Nhật Bản… Có 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.

Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh mời các chuyên gia nước ngoài đến tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên của trường. Ảnh: NTCC

Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh mời các chuyên gia nước ngoài đến tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên của trường. Ảnh: NTCC

Cơ hội từ hợp tác quốc tế

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số giáo viên, cán bộ quản lý được đào tạo ở nước ngoài nói trên vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với gần 90 nghìn nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hằng - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhân rộng hiệu quả các mô hình đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo nòng cốt. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các dự án trong giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, đưa giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài…

Muốn vậy, cần mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội), hợp tác giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp đã và đang được đẩy mạnh. Trong đó, các doanh nghiệp cơ bản lựa chọn đối tượng đào tạo giảng viên. Đây là đối tượng cốt lõi của mọi cốt lõi.

Theo đó, các nhà giáo được đào tạo, tiếp cận với công nghệ, tri thức và văn hóa lao động hiện đại, tiên tiến của doanh nghiệp; sau đó truyền tải cho học sinh, sinh viên. Đó là con đường chính xác và nhanh nhất để thị trường lao động có được đội ngũ kỹ thuật viên đạt yêu cầu.

Cuối tháng 3/2023, có 22 giảng viên đến từ 22 trường nghề trên cả nước được trao Chứng nhận giảng viên ủy quyền Daikin năm 2022 (doanh nghiệp đến từ Nhật Bản). PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định, đây là một trong những kết quả của dự án hợp tác đào tạo nâng cao tay nghề do doanh nghiệp thực hiện dưới sự giám sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Đây được xem như cơ hội để các thầy, cô giáo luyện nghề, tiếp cận công nghệ, phương pháp làm việc và môi trường lao động mới. Đặc biệt, các nhà giáo tiếp cận được những thông điệp quý báu về văn hóa lao động của một đất nước thành công, từ đó truyền tải thông điệp, cảm hứng đến học sinh, sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương tin tưởng, sự hợp tác của một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam sẽ góp phần gắn kết tình hữu nghị giữa hai đất nước vốn có những nét gần gũi về văn hóa, tính cần cù, chịu khó trong lao động. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà trường cần tiếp tục tạo điều kiện để nhiều thầy, cô giáo tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng. Từ đó, nhân rộng đội ngũ nhà giáo cốt lõi, làm hạt nhân cho đội ngũ sinh viên giỏi sau này.

Thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này. Mặt khác, tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề.

Bà Vũ Lan Hương - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, Tổng cục tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Theo đó, sẽ tập trung vào một số nội dung như: Đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn năng lực nhà giáo… Từ đây, góp phần nâng cao chất lượng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ